Dòng phim rất hợp lòng dân

Quốc nạn tham nhũng và đục khoét ngân khố quốc gia cùng sự khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người đã và đang làm giảm sút lòng tin của người dân và suy kiệt nhựa sống xã hội. Tham nhũng đang ngày càng tinh vi và phức tạp, trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, nhiều ngành cũng như nhiều cơ quan và đơn vị nên vì thế, gây bức xúc và bất bình trong xã hội.

Nhiều năm về trước, hàng loạt những bộ phim truyền hình dài tập như Công tố viên, Vệ sĩ trung thành, Cán bộ quốc gia, Cơn lốc, Xứng danh anh hùng… dán nhãn “made in China” đã theo nhau đổ bộ lên sóng truyền hình quốc gia và trở thành những thỏi nam châm có lực hút vô cùng mạnh mẽ. Cho tới thời điểm đó, chưa bao giờ công chúng Việt được thưởng thức những bộ phim với cách tiếp cận gai góc, ngồn ngộn hơi thở cuộc đấu tranh “một mất, một còn” chống lại những thủ đoạn xấu xa, bẩn thỉu đang lũng đoạn cả một bộ máy công quyền, quan chức từ cấp thấp cho tới rất cao như thế. Vì vậy, đã từng có rất nhiều khán giả ngày ấy mong muốn được thưởng thức những bộ phim Việt Nam, dám nhìn thẳng vào quốc nạn tham nhũng, dám mổ xẻ những “con sâu đang làm rầu đất nước” với một thái độ dũng cảm tương tự.

Nhiệm vụ nặng nề ấy đã được các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đảm nhận gánh vác. Từ “hiện tượng màn ảnh nhỏ” mang tên Chuyện làng Nhô, định hướng sản xuất những tác phẩm bám sát hiện thực nóng bỏng của cuộc sống và phản ánh, mổ xẻ những vấn đề được đông đảo công chúng quan tâm đã biến dòng phim rất hợp lòng dân này trở thành thương hiệu của VFC, những năm sau đó. Những bất cập còn tồn tại trong xã hội không ít. Nạn tham nhũng hoành hành. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng giãn rộng.  Sự xuống cấp của các giá trị đạo đức đẩy đồng tiền lên ngôi và tỏ rõ quyền năng tối thượng. Một bộ phận không nhỏ quan chức, Đảng viên tha hóa, biến chất, tìm mọi kẽ hở để luồn lách, trục lợi, vơ vét của công… luôn khiến công luận bức xúc, nhức nhối. Chính vì vậy, chỉ cần phim chạm tới những khía cạnh khác nhau, những góc khuất cùng mảng tối của hiện thực, nói dùm người dân ít nhiều những điều họ không có điều kiện đề cập, phát biểu đều dễ dàng tạo sự đồng cảm và ủng hộ nhiệt thành từ phía khán giả.

Thừa thắng xông lên, dòng phim tấn công trực diện vào quốc nạn tham nhũng ngày càng mang góc nhìn khách quan, nhiều chiều và lột mặt nạ của rất nhiều nhóm lợi ích trong các ngành nghề khác nhau. Những “con sâu làm rầu nồi canh” trong phim ngày càng được “thăng chức” cao hơn. Từ trưởng thôn, chủ tịch xã…, quan chức tham nhũng trong phim đang dần đảm nhiệm những vị trí quan trọng hơn - như Giám đốc Đài Truyền hình tỉnh, Chủ tịch tỉnh hay thậm chí cả Thứ trưởng… Không chỉ có vậy, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới loạt phim Cảnh sát hình sự như Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Đầm lầy bạc, Cổ vật, Chiếc mặt nạ da người… bởi không ít đối tượng mà các chiến sĩ công an phải đối mặt trong những màn đấu trí căng thẳng đến nghẹt thở là các vị quan chức biến chất, không từ một thủ đoạn xảo trá nào để trục lợi, tiến thân. Từ Chạy án 1&2, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Đàn trời đến Bí thư tỉnh ủy, Hương đất…, từ Ám ảnh xanh tới Chủ tịch tỉnh…, dòng phim cũng đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả, khi xây dựng một cách đầy thuyết phục những hình tượng quan chức - ở cả hai chiều chính diện cũng như phản diện. Chuyện yêu - ghét của người xem rất đỗi bình thường. Nhưng đặt trong bối cảnh những bộ phim chống tham nhũng, thái độ phân minh ấy là những phản ứng rất tích cực. Những Đảng viên và người lãnh đạo tốt được yêu mến, tôn vinh. Những “quan tham” bị căm ghét, nguyền rủa và cuối cùng đều nhận lấy những hậu quả đau đớn.

Một thái độ làm nghề dũng cảm

Khác xa dòng phim giải trí với sự vào cuộc rầm rộ của các đơn vị làm phim tư nhân, phim chính luận chỉ có thể lấy chất lượng nội dung và nghệ thuật làm chất keo dính kết buộc người xem đều đặn hàng đêm ngồi trước màn hình. Và những khuôn hình trực diện, sắc sảo cùng những nhân vật điển hình đầy sức thuyết phục đã thu hút sự chú tâm đặc biệt của dư luận và nhận về những làn sóng dư luận đa chiều, đa sắc. Lặng thầm, không ồn ào khua chiêng gõ mõ nhưng hiệu ứng tích cực mà những tác phẩm này tạo nên cho xã hội không nhỏ.

Trả lời câu hỏi, “làm phim chính luận luôn phải động chạm đến những điểm nóng nhức nhối, những vấn đề nhạy cảm. Đã thế, yêu cầu phản ánh đúng nhưng vẫn phải hay, phải hấp dẫn xem ra dường như đã đặt lên đôi vai người làm phim quá nhiều gánh nặng áp lực”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC chia sẻ, “đã có người tổng kết vui, làm phim chính luận phải có đủ bốn mắt - trông lên, liếc xuống, nhìn ra, ngó vào để tránh dính chưởng. Nhưng tôi nghĩ đơn giản, những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng, đang gây nhức nhối trong xã hội luôn hiện diện. Người làm phim, dù nỗ lực đến đâu cũng không thể ngày một ngày hai đi sâu được hết. Phim không phải là một bài báo. Vì thế, hiện thực khi lên phim đã qua công đoạn pha chế, gia giảm liều lượng, để mạch kết cấu câu chuyện cùng các tuyến nhân vật đảm bảo sự hấp dẫn cần thiết. Và khi đã chọn mổ xẻ hiện thực ấy, chúng tôi không sợ những hậu quả xấu có thể đến với đội ngũ làm phim”.

Nhưng những câu chuyện hậu trường phía sau mỗi khuôn hình lại tái hiện một thực tế vô cùng khắc nghiệt, nói như một đạo diễn là “lên sóng rồi mà không hiếm lần thấy đau tim”. Phim ngợi ca các nhân vật quan chức như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh... thì luôn nhận được sự giúp đỡ hết lòng từ địa phương có bối cảnh. Nhưng “giờ hồn” cho những kịch bản bôi xấu lãnh đạo, đoàn làm phim thường xuyên phải áp dụng chiến lược du kích mềm dẻo. Đã quá quen thuộc, chuyện mỗi bối cảnh đài truyền hình phải mang thiết bị máy móc lên tự dựng. Rồi phải tìm được những biển số xe, những tên địa phương không có thực để tránh gây hiểu lầm. Đó là còn chưa kể tới việc luôn phải rào trước đón sau trước báo giới khi phim ra mắt, rằng đừng cố gắng kiếm tìm mối liên hệ giữa nhân vật, trường đoạn hư cấu trong phim với nguyên mẫu, sự kiện nóng hổi có thật nào đó ngoài đời. Nói như đạo diễn Bùi Huy Thuần, “làm phim đã khó, phim chính luận lại càng khó khăn hơn. Vậy nên chỉ những ai thật sự đam mê, thật sự tâm huyết và chịu được khổ thì mới dám liều mình, dũng cảm lao vào”.

Những ngày này, bộ phim truyền hình 70 tập Sinh tử vẫn đang đều đặn lên sóng. Chẵn chục năm để kịch bản ấp ủ được thành hình, với khá nhiều tình huống khiến người xem liên tưởng tới những đại án có thật ngoài đời. Có thể thấy, ngoài lòng dũng cảm, những nghệ sĩ đau đáu với dòng phim chính luận còn sở hữu trách nhiệm công dân rất cao, khi không chịu nhắm mắt làm ngơ trước cái xấu xa, độc ác. Vượt qua những tháng ngày đồng hành cùng thể loại “ba cực” (cực khó - cực khô - cực khổ), phần thưởng lớn nhất mà họ nhận lại là sự thay đổi tích cực của cộng đồng, từ những tiếng chuông cảnh tỉnh dư luận mà họ đã nỗ lực gióng lên. Khi tuyên chiến trực diện với cái ác, khi khẳng định chân lý rằng cái xấu rồi sẽ bị loại trừ, phim chính luận luôn hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn và gần với mong muốn của người dân hơn. Và đó chính là lý do khiến những tác phẩm này luôn được số đông đón đợi.

Huyền Nga