“Luôn phải giữ gìn và phát triển ngọn lửa tinh hoa của gốm Việt Nam”, câu nói của người nghệ nhân gốm Chu đậu đã ngoài 80 với thế hệ nghệ nhân trẻ như hàm chứa sức mạnh của dòng gốm cổ đã làm lừng danh thương hiệu Việt Nam 500 năm về trước, và giờ vẫn tiếp tục đem bản sắc của đất nước tỏa sáng năm châu. 

Người thầy không ngừng học hỏi

Tuổi ngoài 80, hằng ngày nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định không quản nắng mưa vẫn đến làm việc tại Công ty Cổ phần (CP) Gốm Chu Đậu. Chỗ làm việc của ông không bảng, không phấn viết nhưng cả tập thể công ty đều gọi ông là “Thầy Định!”. 

Ông là một trong những người có công đầu trong việc phục dựng gốm cổ Chu Đậu.

Đầu những năm 2000, khi làng nghề gốm Chu Đậu được khôi phục bởi Công ty CP Thương mại Hapro, giờ đây là một thành viên của Tập đoàn BRG. Ông Định là người thầy đầu tiên của 80 học trò, để sau này những người học trò đã cùng ông góp phần phục dựng thành công dòng gốm cổ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ông chỉ cho học trò biết rằng: “Người làm gốm phải giàu tính sáng tạo, phải biết thổi hồn vào sản phẩm bằng trái tim, luôn tìm tòi tới các nét đẹp văn hóa để đưa vào sản phẩm cho phù hợp”. Chính điều đó mới làm nên nét riêng của gốm Chu Đậu so với nhiều gốm khác.

Cả một đời miệt mài với gốm, gia tài đáng giá nhất của người nghệ nhân già là những học trò đã trưởng thành và tiếp tục đem gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ. Rời nơi làm việc tại công ty - ngôi nhà 3 tầng ở thành phố Hải Dương - đâu đâu cũng thấy bóng dáng của gốm, ông nói: “Tuổi có thể già, năm tháng có thể già nhưng sự sáng tạo là vô tận, mình còn sống thì còn sáng tạo để phát triển…”.

Nghệ nhân Hạ Bá Định vẽ sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: Quang Anh

 

Lớp nghệ nhân trẻ giữ lửa Chu Đậu 

Những người học trò đầu tiên của “Thầy Định”  tại ngôi chùa thôn Chu Đậu giờ đây đã giữ những vị trí quan trọng trong công ty, tiếp tục ngọn lửa mang gốm Chu Đậu rạng danh trong thời kỳ mới. 

Nghệ nhân Nguyễn Huy Kiên, sau gần 20 năm cống hiến tại công ty, giờ là Phó Giám đốc sản xuất. Trên cương vị quản lý, không còn nhiều thời gian gắn bó trực tiếp với gốm nhưng tâm huyết mà anh dành cho gốm Chu Đậu giờ được chuyển sang việc sáng tạo để tìm ra những hướng đi mới, những công nghệ mới để giúp gốm Chu Đậu được ưa chuộng khắp trong nước và quốc tế. 

Nghệ nhân Trần Thị Ngàn cũng đến với gốm Chu Đậu từ mái chùa và niềm đam mê của “Thầy Định”, giờ là Tổ trưởng Tổ vẽ Công ty CP Gốm Chu Đậu, ngày ngày gắn bó nét vẽ. Sự sáng tạo và nghệ thuật vẽ điêu luyện của chị đã được thể hiện lên cặp bình gốm Hoa Lam - Tỳ Bà vẽ vàng kim được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam năm 2014.

Nhờ bàn tay của những nghệ nhân trẻ, những sản phẩm gốm Chu Đậu vừa mang tính truyền thống nhưng lại được kết hợp hài hòa với phong cách hiện đại. Quà tặng gốm Chu Đậu có nhiều sản phẩm cao cấp được khắc kim, có thể in logo, vẽ phong cảnh hay in câu chúc, chữ ký, slogan lên đó và được dùng làm quà tặng nguyên thủ các nước trong các dịp ngoại giao của Việt Nam.

Sự phát triển của gốm Chu Đậu hiện nay còn mang dấu ấn sau cổ phần hóa khi trở thành thành viên của Tập đoàn BRG. Gốm Chu Đậu giờ đây thể hiện yếu tố hiện đại, công nghệ chứa đựng trong cái mộc mạc từ đất và nước vốn và được in tên, thương hiệu, lời chúc rồi nung đốt chìm dưới men làm cho sản phẩm, thương hiệu trường tồn qua thời gian của món quà với người được tặng, trở thành tặng phẩm quốc gia dành tặng những vị nguyên thủ và những nhân vật nổi tiếng khi đến với Việt Nam và được thế giới đón nhận.

Những người nghệ nhân gốm Chu Đậu hiện nay từ lớp thế hệ trước như “Thầy Định”, anh Kiên hay chị Ngàn vẫn ngày ngày thổi hồn vào đất, cùng với sự năng động và sáng tạo sau khi cổ phần hóa sẽ tiếp tục thổi ngọn lửa vinh quang cho dòng gốm tinh hoa mang đậm bản sắc tỏa sáng khắp năm châu.

Nghệ nhân Hạ Bá Định hướng dẫn thế hệ trẻ vẽ hoa văn truyền thống trên sản phẩm gốm Chu Đậu. Ảnh: Quang Anh

 

Nâng tầm cao mới cho sản phẩm gốm Chu Đậu

Tại lễ trao và vinh danh kỷ lục Guiness thế giới, ông Nguyễn Hữu Thức - Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu chia sẻ: Kế thừa giá trị văn hóa với lịch sử gần 500 năm của gốm Chu Đậu, dưới sự định hướng của Tập đoàn BRG, Ban Lãnh đạo Công ty đã ngày đêm trăn trở tìm ra những hướng đi mới, quyết liệt và táo bạo hơn, kết hợp với bàn tay tài hoa, trí sáng tạo của những nghệ nhân và người thợ làm gốm để tạo ra hàng nghìn tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, mang đậm văn hóa Việt Nam.

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, là một biểu tượng cho văn hóa Việt, được Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp lựa chọn làm quà tặng trong các dịp ngoại giao quan trọng cũng như những sự kiện đối ngoại lớn của đất nước như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, cuộc họp thượng đỉnh vì hòa bình tại Hà Nội… 

Hiện, các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Thủ đô Tokyo của Nhật Bản, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, và thành phố New York của Mỹ. Các sản phẩm gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu tới khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Đĩa gốm 1.000 chữ “long” viết bằng thư pháp của gốm Chu Đậu được vinh danh Kỷ lục Guiness thế giới

Vào ngày 9/9/2019, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã vinh dự được Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao và vinh danh Kỷ lục Guiness thế giới cho tác phẩm: Đĩa gốm 1.000 chữ “long” viết bằng thư pháp - một kiệt tác mang nét văn hóa truyền thống của thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Đĩa gốm Chu Đậu 1.000 chữ “long” viết bằng thư pháp. Ảnh: Quang Anh

 

Chiếc đĩa có đường kính là 1,2m, gồm hai màu chủ đạo là màu men hanh vàng và các màu lam của các hoa văn họa tiết. Nét đặc sắc nhất của chiếc đĩa Chu Đậu lớn nhất Việt Nam là 1.000 chữ “long” được viết trực tiếp trên đĩa chính là 1.000 bức tranh ký họa về chân dung con người như anh bộ đội cầm súng bảo vệ Tổ quốc, anh lính hải quân với thuyền và biển, cô gái Hà Nội, con rồng bay lượn, con chim, con cá, con tôm, cây đàn, bông hoa. Trên chiếc đĩa gốm lớn nhất Việt Nam còn có các hoa văn truyền thống như hoa cúc, hoa dây là những nét đặc trưng của gốm Chu Đậu.

Đĩa 1.000 chữ “long” được 10 nghệ nhân gốm Chu Đậu cùng nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý làm thủ công qua nhiều công đoạn trong vòng hơn 200 ngày gồm: Làm khuôn - làm nguyên liệu - đổ mộc - truốt - vẽ hoa văn họa tiết và nung đốt.

Nguyên liệu để làm nên tác phẩm chiếc đĩa 1.000 chữ “long” được tuyển chọn rất kỹ lưỡng: Đất sét trắng tại vùng Trúc Thôn, Chí Linh - vùng địa linh nhân kiệt. Cao lanh được khai thác từ vùng núi phía Bắc - đất Tổ Vua Hùng, hợp với nguồn nước phù sa sông Kinh Thầy từ Lục Đầu Giang đổ về (được gọi là lục thủy tứ chấn) hòa quyện vào đất tạo nên chất hồ mang đậm bản sắc, linh khí của dân tộc Việt. Sau khi vẽ hoàn chỉnh, sản phẩm được phủ lên một lớp men tự nhiên được chiết xuất từ tro trấu - dòng men đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam. Chính vì thế gốm Chu Đậu có màu men đặc trưng riêng biệt so với các dòng gốm khác trên thị trường.


Quang Anh