Điểm nhấn của sự kiện văn hóa quan trọng này là lễ tiếp nhận mô hình Châu Ấn thuyền - con thuyền đã đưa Công nữ Ngọc Hoa về quê chồng ở Nagasaki do chính quyền và nhân dân tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) trao tặng. 

Tiếp đó, là màn tái hiện đám cưới của Công nữ với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro cùng sự hiện diện của hậu duệ hai vị vào ngày 10/11 tại quảng trường Sông Hoài.

Một góc phố cổ Hội An

Không gian văn hóa Việt - Nhật tổ chức trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu. Tại đây, thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa như: Trưng bày tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học về giao thương và mối quan hệ của Phố Nhật ở Hội An thế kỷ 17; trình diễn trà đạo Nhật Bản; trưng bày bonsai Việt Nam - Nhật Bản; trò chơi trẻ em; trình diễn nhạc cụ dân tộc; thả hoa đăng Nhật Bản; trình diễn thư pháp; hát dân ca...

Ngoài ra, còn kết hợp với nhiều màn biểu diễn đặc sắc như: Trình diễn hoạt cảnh “Trang phục Hội An - ký ức thời gian”, với việc tái hiện lại cảnh sinh hoạt và giới thiệu các trang phục truyền thống Hội An từ đầu thế kỷ 19; dịch vụ xe cổ mặc trang phục Yukata Nhật Bản; áo dài, áo bà ba Việt Nam…

Du khách quốc tế rất thích thú khi đến đô thị cổ Hội An

Khai trương “Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản” và tiếp nhận Châu Ấn thuyền là hoạt động ngoại giao có ý nghĩa quan trọng của Hội An chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 

Ngoài việc tiếp tục khẳng định và vun đắp cho tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, các hoạt động này còn góp phần thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật Bản đến với Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam).

Ngọc Phó