Người Pà Thẻn tự gọi mình là Pà Hưng, cư trú ở tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, trong đó tập trung đông nhất tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang). Trong các thư tịch cổ xưa, người Pà Thẻn còn được nhắc đến với tên gọi Bát Tiên Mộc, một số tác giả người Pháp gọi họ là Mán Pa Seng hay Mán Pa Teng.

Dân tộc Pà Thẻn có một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo được thể hiện ở kiến trúc nhà truyền thống, trang phục, trang sức, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống, các lễ hội truyền thống (lễ hội nhảy, lễ kéo chày, lễ cầu mưa…).

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, lễ hội được tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch mùa màng xong. Ngày tổ chức nhảy lửa trước kia không cố định mà tùy vào từng dòng họ, mỗi họ tự chọn lấy một ngày trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán để tổ chức, còn ngày nay, lễ hội được thống nhất tổ chức với quy mô lớn, có sự tham gia của cả cộng đồng vào ngày 16/10 âm lịch.

Theo gia phả người Pà Thẻn để lại, việc nhảy lửa là để truyền dạy cho con cháu đời sau các bài cúng, xua đi nỗi sợ hãi và chỉ những người mạnh mẽ mới nhảy được vào đống lửa thiêng. Lễ hội nhảy lửa cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với hiểm nguy, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho vụ mùa bội thu và cầu thần linh phù hộ cho dân làng ấm no, hạnh phúc.

Bước vào lễ hội, sau khi thầy cúng đọc bài cúng thần linh, những thanh niên Pà Thẻn như được tiếp thêm sức mạnh và lòng quả cảm đầy thần bí, họ lao vào nhảy múa trên đống than hồng bằng đôi chân trần mà không bị bỏng. Đây là một lễ hội độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ, hiện vẫn bảo lưu được tính truyền thống vốn có của nó.

Thầy cúng Sìn Văn Phong (nghệ nhân ưu tú) thôn My Bắc, xã Tân Bắc, cho biết đồ lễ của buổi cúng nhảy lửa gồm 5 cái chén, 1 chai rượu, 1 bát gạo, 1 thẻ hương, hương vòng, 1 con gà luộc và khoảng 4 khối củi khô. Khi đống lửa được đốt lên cũng là lúc thầy cúng làm lễ mời các thần linh đã phù hộ, truyền dạy cho người thầy cúng, thần linh của người Pà Thẻn, mời thổ công, thổ địa tại nơi diễn ra lễ nhảy lửa, mời thần sông, thần suối, thần đất, thần đá, thần núi, thần lửa, thần sinh ra trời đất, con người và cuối cùng mời các đời vua của Việt Nam để báo cáo lý do của buổi lễ.

“Khi các thần linh cho phép nhảy lửa, thầy cúng phun nước thần vào đống lửa và các nghệ nhân, sau đó điều khiển các nghệ nhân ngồi trước mặt mình nhận sức mạnh rồi nhảy vào đống lửa rực hồng. Trong thời gian này, thầy cúng tiếp tục làm lễ mời thần linh trên trời từ trạm 1 đến trạm thứ 16 thì dừng lại, nếu mời tiếp thì thần con gái sẽ nhập vào các cô gái đứng xem rồi nhảy vào lửa, khi đấy rất nguy hiểm, có thể nhảy suốt 7 ngày 7 đêm. Kết thúc buổi lễ các thần linh được mời ăn cỗ và thu dọn mâm và thu dọn đống lửa, nếu thần linh không dọn thì các nghệ nhân nhảy lửa và những người chứng kiến sẽ không ngủ được, cứ nhắm mắt là lại nhìn thấy đống lửa”, ông Phong chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho biết lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thôn My Bắc, xã Tân Bắc là phong tục truyền thống có từ lâu đời, chỉ ở đây mới có tục nhảy lửa và chỉ ở xã Tân Bắc mới có thầy cúng để nhảy lửa. Trước đây, lễ hội ở quy mô nhỏ, sau được tổ chức ở quy mô lớn hơn, có sự tham gia của cả cộng đồng. Năm 2019, lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện, tiến tới đưa lên quy mô cấp tỉnh.

Huyện Quang Bình xác định cần phải bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục toàn bộ lễ hội (nhảy lửa, cấp sắc, cúng ma làng…), khôi phục văn hóa xưa và phong tục của người Pà Thẻn. Những năm vừa qua, huyện đã phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng “Đề án bảo tồn thôn truyền thống dân tộc Pà Thẻn thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình”, trình UBND tỉnh Hà Giang ký, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Ông Dũng tin tưởng, khi đề án được thực hiện, thôn My Bắc sẽ trở thành một làng văn hoá giàu bản sắc, phát triển tốt những tiềm năng thế mạnh sẵn có của đồng bào các dân tộc, trở thành một trung tâm thực hành và trao truyền di sản văn hóa tộc người Pà Thẻn đầu tiên, một địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch của khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Tiến tới thành trung tâm diễn xướng và trung tâm văn hoá Quốc gia.

Bùi Bình