Sinh ra và lớn lên bên dòng Thu Bồn thơ mộng, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Quỳnh được đắm mình trong dòng nước ngọt ngào sông Thu và nghe tiếng trống tuồng (hát bội) giục giã vào những đêm hội nơi miền quê tơ lụa Duy Xuyên. Tiếng trống chầu và cả động tác, điệu bộ, dáng đi, đường roi, câu hát... của nghệ nhân trên sân khấu như gieo vào tim ông tình yêu say đắm với nghệ thuật tuồng. Vô vàn những tích tuồng từ cổ cho đến hiện đại đã trở thành người bạn không thể thiếu của cuộc đời ông.

Những năm đầu giải phóng, lúc còn làm Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, ông đã cùng với các nghệ sĩ tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng lặn lội đến từng thôn xóm, nói chuyện tuồng, tổ chức diễn tuồng để nhân dân sau những năm loạn lạc chiến tranh được sống lại không khí của tuồng, trân trọng và chung tay gìn giữ vốn quý truyền thống của quê hương xứ Quảng.

Dù nhọc nhằn, vất vả, đôi lúc phải ăn, nghỉ tạm bợ, thiếu thốn đủ điều nhưng lòng vui khôn xiết khi thấy bà con sau một ngày làm việc ngoài đồng mệt nhọc, đêm về vẫn đèn đuốc kéo nhau đi xem hát tuồng. Nghĩ lại những ngày tháng ấy cùng hình ảnh của một người nhiệt thành hết mình với tuồng, nhiều nghệ sĩ tuồng cho đến bây giờ vẫn không nén được niềm xúc động, trân trọng đối với ông.

Thiết tha sâu nặng với tuồng nên sau khi nghỉ chức Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng về hưu, ông trở lại quê nhà Duy Trung (Duy Xuyên) và bắt tay thực hiện những dự định đã ấp ủ bấy lâu là từng bước khôi phục nghệ thuật tuồng trên mảnh đất quê mình.

Đầu tiên, ông đứng ra vận động thành lập Hội Bảo trợ tuồng Duy Xuyên, tập hợp những người yêu tuồng và các mạnh thường quân hết lòng ủng hộ tuồng. Với uy tín và niềm đam mê, ông cùng các đồng sự đã không ngại khó, ngại khổ kiên trì vận động cho tuồng, hỗ trợ về mặt kinh phí và tinh thần để các câu lạc bộ tuồng ở tuyến xã ra đời và hoạt động rộng khắp, tạo nên phong trào gìn giữ, biểu diễn tuồng hết sức hiệu quả ở khắp vùng Duy Xuyên.

Biểu diễn nghệ thuật tuồng cổ. Ảnh: ĐB

 

Không chỉ là việc duy trì hoạt động hiệu quả ở các câu lạc bộ tuồng tuyến xã với nhiều câu lạc bộ mạnh như Duy Sơn, Duy Châu, Duy Thu hay Duy Nghĩa, Duy Trung... ông còn đứng ra bảo trợ để thành lập Đoàn nghệ thuật tuồng bán chuyên nghiệp mang tên “Sông Thu”; trong đó nòng cốt là gia đình nghệ sĩ Diệu Thông. Cảm cái tình đam mê tuồng hết mực của ông Quỳnh, nghệ sĩ Diệu Thông cùng các con từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam) về "đầu quân" ở mảnh đất được ôm ấp và tưới tắm bởi dòng sông mẹ Thu Bồn.

Từ đây, Duy Xuyên trở thành quê hương thứ hai và là nơi để gia đình bà thăng hoa với tuồng. Sau đó, nghệ sĩ Diệu Thông đã qua đời, những người con của bà lại tiếp tục sự nghiệp và gắn bó lâu dài với Đoàn tuồng Sông Thu, xem đây như ngôi nhà thứ hai của mình để cùng với ông Nguyễn Quỳnh và những người yêu quý tuồng góp phần gìn giữ nghệ thuật tuồng ở mảnh đất này.

Chưa hài lòng với những gì đã làm được, vẫn thấy tuồng chưa thể “bén rễ xanh cây” trong đời sống hôm nay với những xô bồ, hối hả, trong khi những nghệ nhân gắn bó lâu năm với tuồng truyền thống đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, vài người không đủ điều kiện trụ lại với tuồng đã quay sang làm nghề khác...; nếu không có giải pháp đào tạo những thế hệ diễn viên tuồng mới thì trong tương lai không xa, tuồng sẽ không còn xuất hiện trên sân khấu, trong hội làng... ông Quỳnh lại cùng với các đồng sự của mình tranh thủ chạy đi khắp nơi để tìm nguồn kinh phí tập trung đưa sân khấu tuồng cổ vào học đường.

Ông Quỳnh tâm sự, mặc dù kinh phí cho "Sân khấu học đường" còn rất khó khăn nhưng Hội Bảo trợ tuồng cùng với ngành Văn hóa Thông tin Duy Xuyên đã phối hợp tổ chức với phương thức xã hội hóa, sự hỗ trợ giúp đỡ của UBND huyện nên đã tổ chức xây dựng thành công 6 trường THCS trong huyện có được đội biểu diễn tuồng, ngoài phục vụ ngoại khóa cho trường học, các em còn được mời đi phục vụ cho các ngày lễ, ngày hội của xã, huyện như các trường: THCS xã Duy Châu, Duy Thu, Duy Trung, Duy Sơn, thị trấn Nam Phước... Nhờ vậy, trong kỳ thi chọn thí sinh vào trường nghệ thuật sân khấu Trung ương đã có nhiều em đậu vào trường và đã vào học.

Tuổi 92 của ông đã đến, như đèn dầu trước gió. Ông Nguyễn Quỳnh vẫn đang trĩu nặng một nỗi niềm là bảo tồn nghệ thuật tuồng cổ của dân tộc!

Dẫu đã qua tuổi 90, từng hoạt động cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng, ông kinh qua nhiều chức vụ như Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, Giám đốc Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng đến nay, ông vẫn hết lòng với nghệ thuật tuồng, lặn lội đi đây đó vận động, tổ chức các hoạt động nhằm giữ gìn loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà ông hết mực yêu quý... 

Đức Bình