Ông hạnh phúc khi có cả quảng đời trai trẻ của một thanh niên xung phong sống và cống hiến trong thời chống Mỹ. Thời thơ ấu và niên thiếu lại ở vùng quê nghèo nhất của xứ Nghệ. Phải chăng, chính vì thế mà ông có cái nhìn về người nghèo với ánh mắt đầy sẻ chia.

Thời kinh tế mở cửa, Thủ đô Hà Nội như một đại công trường. Công trường từ lớn đến nhỏ cần rất nhiều thứ, trong đó có những người lao động chân tay khuân vác, dọn dẹp… Những người quê đã tìm về Hà Thành để kiếm việc làm. Có những người kiếm việc làm quanh năm, nhưng cũng có những người tranh thủ lúc nông nhàn giao thời mùa vụ lên Hà Nội để lao động kiếm tiền.

Trong bài thơ “Chợ người Hà Nội” tác giả viết: Xong mặt ruộng, lên mặt đường/Tìm ra thành phố tha phương lần hồi/… Họ nhóm họp với nhau thành chợ: Chợ người “bán” dưới gốc cây/Ngồi chờ nhặt gió, vén mây phận mình/Ở đâu mua bán chợ tình/Còn đây lại bán sức mình - bằng công/Ngổn ngang phố xá đường vòng/Giá “hàng” cao thấp đục trong bọt bèo.

Hầu hết những người rời quê ra phố làm thuê đều có hoàn cảnh và suy ngẫm, trong bài “Đứng tựa ngã ba”, tác giả viết: Quê nghèo đất hẹp, người đông/“Sinh voi… hết cỏ” cánh đồng lẻ loi/Tưởng ra thành phố đổi đời/Hay đâu vẫn lắm cảnh người lang thang/…Nhà giàu bán đất mua vàng/Người nghèo góp sức thành “hàng” bán mua.

Nhiều cô gái chân quê chỉ quen với ruộng đồng, nhưng gia cảnh khó khăn đành phải ra Hà Nội kiếm việc làm. Các em ít hiểu biết, không chuyên môn, không nghề nghiệp, thử hỏi làm gì để tồn tại giữa phồn hoa phố thị, làm gì để có tiền nuôi thân và gửi về quê nhà? Phải chăng vì cuộc sống mà các em phải chấp nhận một nghề dễ có nhiều người nhìn họ bằng ánh mắt khinh bạc.

Trong bài “Thương lời chân quê” tác giả viết: Bỏ quê ra đất thị thành/Thử sức bằng chút tuổi xanh của mình/Không nghề nghiệp, chẳng tài danh/Em lang thang rồi hóa thành mây trôi.

Hoặc trong bài “Ngày mai em về nhà chồng”: Ngày mai em về nhà chồng/Phòng thuê - giờ chỉ trống không một mình/Bỏ quê hương, xa gia đình/Dắt nhau ra chốn Hà Thành mưu sinh/Không nghề nghiệp và tài danh/Thôi thì liếc mắt, đưa tình làm công/Cứ xoa mặt rồi đấm lưng/Ầu ơ bến đục bến trong - chữ tiền/Em may hơn chị còn duyên/Có người đo ván, ghép thuyền Hồ Tây.../Em đi chị ngồi ước ao/Bao giờ cho đến ngày nào như em?

Thử hỏi những thân phận như thế đáng trách hay đáng thương? Vì đồng tiền mà các em phải chấp nhận công việc như cụ Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều: “Cuộc vui tận sáng, trận cười thâu đêm”.

Trong nhiều vần thơ, bài thơ chia sẻ, cảm thông của tác giả với từng thân phận, từng kiếp người lam lũ mưu sinh thì bài “Nhận chị đồng hương” không chỉ trái tim tác giả nhói đau mà làm cho bao nhiêu người khác sụt sùi: Chị cho con bú bên đường/Nhỡ nhàng lâm cảnh tha phương thế này/Tháng ngày cầu sự rủi may/Ngả bàn tay nhận ngón tay qua đường.../Tôi gặp chị cũng vô tình/Bên đường một thoáng hóa thành nỗi đau/Thế giờ quê chị nơi đâu?/Bố đứa trẻ ở phương nào chị ơi/Tôi nhìn chị, chị nhìn trời/Tủi buồn chị nói những lời bâng quơ/Được đồng nào, anh cứ cho/Hỏi chi lối sống chồng hờ, con vay/Dở dang cháu vẫn đủ ngày/Mẹ con lần ngửa bàn tay xin người/Gốc quê khó đoán qua lời/Tiếng rất Nghệ nhưng kiểu người lại Thanh/Thương cảnh chị, biết chẳng đành/Nhận đồng hương giữa Hà Thành, quê xa.

Cổ nhân có hai câu đối nhau: “Thấy người sang bắt quàng làm họ” và “Ngoảnh mặt trước kẻ sa cơ”.

Thật nhân văn và cao cả, nhà thơ Mai Hồng Niên đã nhận người đồng hương trong một hoàn cảnh đáng thương.

Điều đó quý giá hơn những đồng tiền “Nhón tay làm phúc” của khách qua đường.

Ông đau nỗi đau của từng thân phận. Cái hay của thơ ông ở chỗ không phải bình giảng nhiều, bởi từng câu, từng chữ, từng vần đã toát lên tất cả.

Nhiều nhà giới thiệu và phê bình thơ Mai Hồng Niên đã có cùng chung nhận xét: Thơ Mai Hồng Niên không trau chuốt ngôn từ, nhưng cuộc sống của nhân vật thật như máu. Những cảnh đời, những thân phận không phải ở đâu xa xôi mà cứ ra đầu phố là rất dễ gặp những người quê mưu sinh...

Thế Lữ