Trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên hiện có quần thể voọc xám lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Voọc xám trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã được ghi nhận từ những năm 1998, nhưng chưa có các nghiên cứu chi tiết về tình trạng quần thể và vùng cư trú của loài này. Hiện ông đang trực tiếp làm nghiên cứu sinh với đề tài “nghiên cứu sinh thái học và bảo tồn loài voọc xám Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên”. 

Trong quá trình gắn bó với Khu bảo tồn và làm nghiên cứu sinh, ông đã trực tiếp vào rừng ăn ở nhiều ngày để ghi lại những hình ảnh voọc xám. Để gần gũi được voọc xám, ông phải mất nhiều ngày ăn ở trong rừng để làm quen, gần gũi mới chụp được ảnh voọc xám.

Theo kết quả điều tra thực địa và phỏng vấn người dân địa phương và các kiểm lâm viên, trong thời gian từ 2013 - 2015 đã ghi nhận được 7 đàn voọc xám tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Trong quá trình bảo tồn, tổng số voọc xám ước tính khoảng 100 - 200 cá thể, mỗi đàn có khoảng 30 - 35 cá thể. Các đàn có ít nhất 1 cá thể đực trưởng thành, nhiều cá thể cái trưởng thành và cá thể gần trưởng thành. Có 4 đàn đã quan sát có con non.

Voọc xám phân bố ở 4 dạng sinh cảnh rừng ít bị tác động thuộc 8 tiểu khu xa dân cư của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Quần thể voọc xám này có thể là một trong số ít quần thể lớn nhất của loài này còn sót lại ở Việt Nam. 

Để bảo vệ loại voọc xám này, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã có nhiều nỗ lực bảo vệ nên hoạt động săn bắt động vật hoang dã được hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, khảo sát, cán bộ Khu bảo tồn đã bắt gặp nhiều lán săn và các dàn bẫy động vật được cài trong rừng. Khu Bảo tồn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng săn bắt động vật hoang dã; ngăn chặn, nghiêm cấm khai thác trộm gỗ, chăn thả gia súc tự do, xâm nhập trái phép vào khu bảo tồn; thực hiện các biện pháp lâm sinh thúc đẩy tái sinh tự nhiên rừng; đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vùng đệm...

Văn Thanh