Sự kiện dự kiến đón khoảng 1.500 chức sắc, nhà tu hành và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, cùng với khoảng hơn 10.000 đồng bào Phật tử và nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, Đại lễ có các hoạt động khác như: Hội chợ văn hoá Phật giáo, triển lãm văn hoá Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thuyết pháp, nghi lễ tắm Phật truyền thống,…

Thượng tọa Thích Minh Quang, đại diện chùa Tam Chúc, thành viên Ban tổ chức Đại lễ Vesak 2019 cho biết, công nhân đang làm việc liên tục 3 ca để hoàn thành các hạng mục chính phục vụ cho Đại lễ.

Thượng toạ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự tƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Nam cho biết, kế hoạch trong thời gian tới, toàn bộ Phật giáo tỉnh Hà Nam sẽ động viên phật tử toàn tỉnh sẵn sàng tinh thần hào hứng, phấn khởi chào đón sự kiện.

Đại lễ Phật Đản
Với chủ đề Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” Đại Lễ Phật Đản Vesak 2019 sẽ có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa.

“Khắp các tỉnh sẽ có những hoạt động để cho các tăng ni, phật tử hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Phật Đản. Trong đó, từ khâu trang trí khánh tiết đến nội dung giảng dạy chúng tôi đang tiến hành xây dựng nội dung, phương án triển khai thật chi tiết và cẩn thận. Ngay cả hoạt động rước xe hoa, năm nay với tinh thần tổ chức rộng rãi và kéo dài, số lượng xe hoa sẽ nhiều hơn. Đến giờ phút này các tăng ni, phật tử rất hào hứng và muốn đóng góp những xe hoa đẹp nhất, long trọng nhất cho Đại lễ.

Các chùa và dọc các tuyến đường cũng treo băng rôn chào mừng. Trước Đại lễ 1 tháng, chúng tôi cũng sẽ động viên tăng ni, Phật tử tham gia từ thiện, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn. Cùng với Mặt trận Tổ quốc tỉnh chúng tôi sẽ làm các nhà tình nghĩa, dành cho người có công, người nghèo để họ có ngôi nhà khang trang hơn trước. Đối với các tỉnh khác, chúng tôi cũng sẽ nhờ các cơ quan giúp đỡ để có thể tiếp cận và giúp đỡ những người già neo đơn, người có công và những người có hoàn cảnh khó khăn”, Thượng toạ Thích Thanh Quyết chia sẻ.

 


Chia sẻ với Báo Thanh tra về việc thời gian gần đây, nhiều người cho rằng chùa không cần phải to mới tổ chức được nhiều sự kiện, Thượng toạ Thích Thanh Quyết cho rằng, chùa to hay bé tất cả phụ thuộc vào điều kiện của người xây chùa.

“Vua Lý Công Uẩn khi rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, việc đầu tiên ông có cho xây cung điện nguy nga đâu mà là cho xây 8 ngôi chùa to đẹp. To so với thời đó thôi, vì dân số lúc đó ít, xây như vậy là nhiều rồi. Thời đó, vua còn yêu cầu cho xây như vậy, còn bây giờ nhà nước mình cũng muốn như thế nhưng có điều là không thể đứng ra để làm.

Việc xây dựng bây giờ đã có các chức sắc ở các tôn giáo tự lo. Nếu có phật tử nào đứng ra xây dựng chùa to thì càng trân trọng vì dân số của mình khác trước rồi. Nếu xây bé, người ta đến thăm, mà lại chen chúc thì khổ quá, lúc đấy sẽ xảy ra không biết bao nhiêu thứ khác. Nhiều phật tử, doanh nghiệp xây chùa xong cũng không đứng ra trụ trì, lại “cúng” cho Giáo hội, Giáo hội nhờ doanh nghiệp hỗ trợ về việc bảo vệ, vệ sinh môi trường...”, Thượng toạ Thích Thanh Quyết chia sẻ.  

Đại lễ Phật Đản
Thượng toạ Thích Minh Quang, thành viên BTC Đại lễ Phật Đản Vesak 2019.

Đồng quan điểm, Thượng toạ Thích Minh Quang cho rằng, mỗi một thời kỳ một khác trong việc xây chùa. “Chẳng hạn chùa Bái Đính, trong những năm qua tổ chức rất nhiều các khoá tu cho học sinh, sinh viên. Mỗi khoá tu thường kéo dài 1 tuần các em không có internet, không điện thoại, sống như một đời sống của người tu hành. Các em có cơ hội tĩnh tâm và suy nghĩ lại về mình. Nhà Phật luôn nhấn mạnh vấn đề nhìn lại mình. Đến nhà Phật không phải là nhìn thấy Phật mà nhìn thấy chính mình.

Tôi nói vậy để nhấn mạnh một điều, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ tới chùa là để phục vụ chuyện tâm linh tín ngưỡng thuần tuý, như vậy là chưa đủ. Mà chùa còn được hiểu như là môi trường, ngôi trường để giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống. Nếu hiểu thêm một khía cạnh như vậy thì với dân số ngày càng đông, một không gian chùa nhỏ không thể đáp ứng được. Thật ra, chùa to hay nhỏ cuối cùng cũng phục vụ tín đồ phật tử tham quan, chiêm bái và tu tập”, Thượng toạ Thích Minh Quang chia sẻ. 

Theo Thượng toạ Thích Minh Quang, ngay sau khi Đại lễ Phật Đản Vesak 2019 kết thúc, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam sẽ phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức các khoá tu tại chùa Tam Chúc. 

Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) đã được tổ chức ở nhiều nước có Phật giáo theo truyền thống Nam truyền như: Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia...

Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động của Đức Phật trên khắp thế giới.

Sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam 2 lần. Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đăng cai, chủ trì tổ chức Đại lễ Vesak LHQ với sự phối hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2014, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai và tổ chức Đại lễ này từ nguồn kinh phí xã hội hóa với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Chính phủ để đảm bảo về: an ninh, an toàn trong và ngoài Đại lễ, truyền thông và các hoạt động liên quan.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 






Trà Vân