Gần 22 giờ đêm, ngày 22/1/2019 (tức ngày 17/12 Âm lịch), lò hóa vàng mã tại đền Bà Chúa kho vẫn đỏ lửa.

Những mâm lễ đựng sớ, tiền vàng được sắp sẵn chờ vào lò. 

Anh Nguyễn Hùng, Hà Nội cho biết, đầu năm anh vay bà 10 tỷ tiền âm để làm ăn, thì cuối năm anh hóa số tiền tăng gấp 3 lần để tạ ơn bà Chúa (khoảng 30 tỷ đồng tiền âm phủ bao gồm: Vàng mã, đô la). 

Cứ sau rằm tháng 12 Âm lịch là đi lễ tạ cuối năm, để cảm tạ bà Chúa và các quan đã gia hộ cho một năm buôn may bán đắt và đón một cái Tết an lành. Vì vậy, số tiền để sắm các mâm lễ, vào khoảng vài triệu đồng, nhưng quan trọng là cái tâm mình vui.

Đầu năm, đi vay lễ

 Có vay, ắt có trả. Đây là phong tục có từ bao đời nay, Nhiều người tin rằng, đầu năm đi lễ, vay bà Chúa tiền âm, nhưng làm ăn được lộc tiền dương, nên họ không tiếc tiền để tạ lễ.

Theo đó, người ta thường sắm tối thiểu 3 mâm lễ tại các Ban Công đồng, Ban Mẫu, Cung Bà Chúa… với các vật phẩm: Tiền vàng, hoa quả, lễ mặn, khoảng từ 1 đến 3 triệu đồng.

Theo GS Ngô Đức Thịnh: “Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận đó là có nhiều người đi lễ để tỏ lòng thành kính, tôn nghiêm lễ Phật, nhưng cũng có người đi lễ muốn thể hiện, phô trương sự giàu có của mình, cụ thể là lên đền, chùa mang nhiều tiền lẻ hơn, nhiều lễ vật hơn. Nhưng chúng ta phải nhớ một điều rằng, khi chúng ta đi lễ Phật là do tâm chúng ta nhất nhất theo Phật và ta tin vào Phật chứ không phải cứ phô trương lễ vật là chúng ta thành tâm”.

Còn ông Nguyễn Văn Dự, Ban Quản lý Di tích đền Bà Chúa Kho cũng đưa ra quan điểm: Con người có tướng, có số, vũ trụ quay vòng, cây cỏ mùa xuân đâm chồi, nảy lộc, thu và đông kết trái. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền này rồi.

Cuối năm, trả lễ

Bà Nguyễn Thị Dần, người đã có nhiều năm gắn bó với đền Bà Chúa Kho cho biết, ngôi đền này rất linh thiêng trong tâm thức người dân, nên người dân đến đền cũng phải với tinh thần xả tâm. Việc cúng bái để vay vốn chỉ là nghi thức tâm linh, chứ không thể là việc có thật.

Các mâm lễ lần lượt cho vào lò... hóa

Lò hóa vàng cháy hết công suất

Đền Bà Chúa Kho có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Vào thời đó, ở làng Cổ Mễ là nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ kháng chiến.

Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm gần đó. Bà được miêu tả là người rất đẹp. Sau khi lấy vua Lý, thấy ruộng đất ở đây bị hoang hóa, bà xin vua cho về làng chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang. Bà đã mở rộng khai hoang vào tận vùng Nghệ An.

Vào đời nhà Lý, bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh).

Bà bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong cho bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Hàng năm, vẫn có hàng vạn người từ các nơi trên khắp Việt Nam và nước ngoài hành hương đầu Xuân về Bắc Ninh để cầu tài cầu lộc, quan trọng nhất là vay tiền Bà Chúa Kho, mong cho một năm mới công việc xuôi thuận, phát tài.

Trà Vân