Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam không phải là câu chuyện mới vì từ năm 2016, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã lên tiếng phản đối vì cho rằng thiếu minh bạch.

Các nghệ sĩ thậm chí đã ký vào một lá đơn đề nghị thay giám đốc của Hãng (khi đó là đạo diễn Vương Đức) với lý do chính ông Đức là người đã tiếp tay cho sự "khuất tất" trong cổ phần hóa.

Thế nhưng, quá trình cổ phần hóa vẫn diễn ra bình thường. Giữa năm 2017, Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso chính thức trở thành cổ đông chiến lược, và Hãng phim truyện Việt Nam cũng được đổi tên thành Công ty đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam với một ban giám đốc mới.

Đối thoại như cãi vã

Thời gian đầu, các nghệ sĩ tại Hãng phim truyện Việt Nam chọn cách nghe ngóng tình hình và quan sát những động thái của "ông chủ mới". Họ cho biết không chống chủ trương cổ phần hóa, thậm chí hết sức ủng hộ vì đó là xu thế chung.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác. Trung tuần tháng 9, NSND Thanh Vân cùng nhiều đạo diễn của hãng phim có cuộc họp với Hội Điện ảnh để "kêu cứu". Các nghệ sĩ tố "ông chủ mới" chậm trả lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim và chỉ quan tâm đến giá trị đất đai của hãng.

Trao đổi với Zing.vn vào thời điểm đó, NSND Minh Châu - Chi hội trưởng Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam - cho biết lãnh đạo mới còn đang có ý định cho thuê đất đai để làm nhà hàng ăn uống, khách sạn. Đó là điều khiến các nghệ sĩ cảm thấy "nhục nhã".

"Hãng phim là địa chỉ văn hóa, là nơi các nghệ sĩ tự hào. Người ta có thể nhảy vào những chỗ khác để kinh doanh, nhưng nơi ấy thì chúng tôi không thể chấp nhận", NSND bức xúc.

Sự phản ứng gay gắt của các nghệ sĩ buộc Tổng Công Ty Vận tải Thủy VIVASO phải tổ chức một buổi đối thoại với nghệ sĩ, cán bộ và công nhân viên tại Hãng phim vào ngày 19/9. Thế nhưng, cuộc đối thoại nhanh chóng trở thành một cuộc cãi vã bi hài vì 2 bên không tìm được tiếng nói chung.

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch VIVASO - cho biết ban lãnh đạo chưa bao giờ không trả lương và cũng không thiếu tiền để trả nhưng phải trên tinh thần "có làm có hưởng, không làm không hưởng".

Quan điểm của ông Nguyên bị các nghệ sĩ phản bác ngay sau đó. Diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Trần Chí Thành và nhiều biên kịch khác cho rằng làm nghệ thuật có sự đặc thù. Thức khuya, dậy sớm viết kịch bản là chuyện bình thường, không thể như nhân viên công sở ngày nào cũng lên cơ quan.

Kết thúc buổi đối thoại, NSND Thanh Vân tuyên bố: "Ông Nguyễn Thủy Nguyên trả lời vòng vo, không đúng câu hỏi. Cuộc đối thoại không thu được kết quả gì". Trong khi đó, chủ tịch VIVASO khẳng định đã trả lời thẳng thắn mọi vấn đề, không tránh né.

Nghệ sĩ và đại gia ở hãng phim: Cuộc chiến không hồi kết năm 2017
Ông Thủy Nguyên bị cho là đã xúc phạm nghệ sĩ Quốc Tuấn.

Thanh tra cổ phần hóa

Vài ngày sau, Hội Điện Ảnh Việt Nam tiếp tục tổ chức buổi họp mặt báo chí. Nghệ sĩ Quốc Tuấn chủ trì cuộc họp, anh tỏ ra rất bức xúc và gọi sự vụ này là "kinh khủng".

Các nghệ sĩ còn tung ra những bằng chứng tố cáo quá trình cổ phần hóa không minh bạch và cáo buộc ông chủ mới hãng phim không hiểu biết gì điện ảnh, "vô văn hóa" và xúc phạm nghệ sĩ.

Là một người trung lập, tức không thuộc nhân sự của Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Quốc Trọng khẳng định doanh nghiệp chỉ mượn danh cổ phần hóa để biến giá trị đất đai Nhà nước thành tư nhân. Thế nhưng, ông cũng cho rằng các nghệ sĩ đang khóc lóc quá nhiều, không giải quyết được điều gì.

Sau những ồn ào, sự vụ tại hãng phim trở thành tâm điểm, được dư luận và truyền thông đặc biệt quan tâm.

Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Hội Điện ảnh, đại diện Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy, đại diện Hãng phim truyện Việt Nam.

Kết thúc buổi họp, Phó Thủ tướng đề nghị thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa. Vào đầu tháng 10, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.

Thế nhưng, trước thềm thanh tra, ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch VIVASO - lại tiếp tục gây bức xúc trong dư luận với những lời lẽ xúc phạm nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nặng nề.

Theo đó, trong một cuộc họp với các nghệ sĩ vào cuối tháng 9, ông Nguyên đã gọi Quốc Tuấn là "Chí Phèo", "đi đâu cũng khóc như mưa". Các nghệ sĩ một lần nữa phản ứng dữ dội vì cho rằng đó là cách ứng xử thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được đối với ông chủ của một đơn vị nghệ thuật.

Trong bài viết với tựa đề "Bận xúc phạm nghệ sĩ, bao giờ đại gia Thủy Nguyên mới làm phim?", đạo diễn Lê Đức Tiến - nguyên Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng - nhận định: "Hành xử của Ban lãnh đạo mới Hãng phim truyện Việt Nam với những toan tính về kinh tế và lợi nhuận là coi thường văn nghệ sĩ và không đủ tầm kiến thức và văn hóa để bước vào ngôi đền thiêng của nghệ thuật thứ 7".

Về phần mình, ông Nguyễn Thủy Nguyên cũng thừa nhận với Zing.vn là "đã phát ngôn đúng thời điểm nhạy cảm" khi câu chuyện về bố con nghệ sĩ Quốc Tuấn đang được dư luận quan tâm. Nhưng chủ tịch VIVASA vẫn giữ nguyên quan điểm về cách quản lý vì khẳng định "không thể để hãng phim thành cái chợ".

Nghệ sĩ và đại gia ở hãng phim: Cuộc chiến không hồi kết năm 2017
Nhiều câu nói của ông Thủy Nguyên gây bức xúc trong dư luận. Đồ họa: Châu Châu.

Ngành điện ảnh bị ảnh hưởng

Từ đó đến nay, dù không còn những cuộc cãi vã, xúc phạm lẫn nhau nhưng những bất đồng giữa các nghệ sĩ và ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Kết quả thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa cũng chưa được công bố.

Mới nhất, vào sáng 28/12, Cục Điện ảnh tổ chức tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.  Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần và phát triển phim truyện Việt Nam cho biết hãng sẽ thực hiện phim Người yêu ơi do Cục Điện ảnh đặt hàng.

Ngoài ra, hãng đã thỏa thuận hợp tác sản xuất phim với đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) và triển khai làm phim ngắn để tạo công ăn việc làm cho nghệ sĩ.

Bà Ngô Phương Lan đánh giá quá trình cổ phần hóa không trọn vẹn ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành điện ảnh và gây ra ồn ào không đáng có trong năm vừa qua.

"Cục không trực tiếp tham gia vào công cuộc cổ phần hóa Hãng Phim truyện. Tuy nhiên, chúng tôi nắm được thông tin qua báo chí, dư luận. Lùm xùm giữa nghệ sĩ và ban lãnh đạo mới ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành điện ảnh", bà Lan nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cũng bày tỏ hy vọng việc này được giải quyết dứt điểm trong năm 2018. 

Theo Quang Đức/Tri Thức Trực Tuyến