Theo Ban Tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III năm 2018 tại Quảng Nam, là sự kiện văn hóa - chính trị có quy mô lớn và ý nghĩa sâu sắc đối với các tỉnh miền Trung có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Nội dung của Ngày hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”. Qua đó, góp phần tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đồng thời, qua các hoạt động trong ngày hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung với cả nước và quốc tế; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong xu thế hội nhập của đất nước.

Ban Tổ chức cho biết, Ngày hội diễn ra từ ngày 24 đến 26/8/2018 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, với sự tham gia của trên 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 13 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương, các địa phương.

Trong khuôn khổ Ngày hội, có các hoạt động văn hóa: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc trưng các dân tộc; trưng bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc. Các hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc: Đẩy gậy, kéo co, bắn ná/bắn nỏ. Các hoạt động du lịch: Giới thiệu điểm đến của các địa phương tham gia ngày hội tại gian trưng bày triển lãm; giới thiệu và tổ chức một số điểm tham quan của tỉnh Quảng Nam.

Đến thời điểm hiện nay, Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký các trích đoạn tái hiện tại ngày hội, các đoàn sẽ mang đến ngày hội những nét văn hóa đặc sắc nhất như: Tỉnh Thanh Hóa tái hiện trích đoạn lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái; Phú Yên tái hiện lễ cầu mưa của dân tộc Ê Đê, Bình Thuận tái hiện lễ hội cầu An dân tộc Chăm… và Quảng Nam tái hiện trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc “cúng đất lập làng” của người Cơ Tu.

TH