Bà Lương Tuyết Chính, Bí thư Chi bộ thôn Khe, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho biết, Lễ hội Già sợ da được tổ chức vào tháng 8 hoặc tháng 10 Âm lịch hàng năm, để dâng cơm mới cùng các sản vật nông nghiệp do chính người Xá Phó làm ra, đồng thời phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp thờ thần lúa, hồn lúa mẹ. Quy mô, phạm vi tổ chức trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thôn bản.

Theo tập tục của người Xá Phó, ngày gặt lúa phải chọn ngày tốt, tránh ngày mất của tổ tiên. Tùy theo dòng họ, có họ chọn ngày con ong, có họ chọn ngày con ngựa để đi hái lúa.

Ngày đầu tiên đi hái lúa chỉ có hai vợ chồng chủ nương, họ đem theo gùi, hái cắt lúa, cơm và ít thức ăn. Khi đến nương, người vợ hái ba lá ngái và cho vào đó một hòn đá (hòn đá có nhiều hạt nhỏ dính vào nhau, có màu trắng trông giống như hạt gạo) rồi tiến thẳng vào giữa nương, chọn ba khóm lúa có bông to, chắc hạt để thực hiện nghi lễ buộc giữ hồn lúa mẹ.

Khi buộc, người vợ hướng mặt về phía Đông - phía mặt trời mọc, phải nín thở, tay phải cầm hái cắt lấy ba bông buộc thành một túm (người Xá Phó bảo đó là 1 cum), người vợ ngắt lấy 3 túm, giở lá ngái rồi đặt ba túm lúa vào lá, cuốn lại đặt vào giữa bụi lúa, dùng dây cây lúa để buộc ba vòng, hoàn thành nghi lễ giữ hồn lúa tại nương.

Người dân Xá Phó chọn ngày tốt mới lên nương gặt lúa. Ảnh: TQ - QT

 

Trong quá trình thực hiện nghi lễ này, nếu bà chủ nương không kiêng được như thở mạnh hay nháy mắt thì lúa sẽ bị gió thổi rụng hạt, khi lúa cắt xong để ở dưới đất khi nhấc lên bó lúa sẽ bị rụng hạt nhiều, do đó họ rất kiêng kỵ điều này.

Sau khi thực hiện các nghi lễ xong, hai vợ chồng tính toán gặt đủ mỗi người ba cụm rồi trở về nhà, cất lúa trên sàn gác bếp để phơi khô. Trước kia, người Xá Phó thường làm một nhà kho ngay cạnh nhà hoặc ở nương gần nhà để làm kho cất trữ thóc, đồng thời để giữ hồn lúa mẹ tại kho thóc.

Ngày nay, người Xá Phó cất trữ thóc trên gác nhà, hồn lúa mẹ cũng được giữ tại đó, năm sau rước hồn lúa mẹ đi lên nương để thực hiện nghi lễ buộc vía lúa trên nương, cầu cho mùa màng tươi tốt. Khi mang lúa về, nhà chủ phải làm lý đóng cửa nhà ý để giữ hồn vía lúa ở nhà.
Thu hoạch lúa ngày thứ hai, gia chủ đổi công nhờ anh em trong thôn giúp đi hái lúa, sau này trả công. Sau khi cắt hết số bông lúa trên nương bó thành từng cum, nếu số cum lẻ ra báo hiệu sang năm tiếp tục được mùa, nếu năm nào số cum lúa là số chẵn báo hiệu năm đó lúa nương không tốt.

Sau khi kiểm đếm số cụm lúa, bà chủ nương lẳng lặng cầm hái lên cắt những bông lúa ở vị trí buộc hồn lúa mẹ rồi buộc vào một túm lúa to chắc hạt nhất. Lúa được chị em gùi bằng địu qua đầu, đàn ông nam giới dùng đòn sóc gánh lúa trở về nhà.

Về nhà, lúa được vận chuyển cất lên sàn gác để lúa tự khô, họ xếp thành 3 đống, mỗi đống giống hình một cây, trong đó đống lúa trong cùng được kẹp giữ hồn lúa mẹ tại sàn gác, để hồn lúa không sợ mà bỏ đi. Người Xá Phó sử dụng lúa mới đem sấy khô rồi cho vào cối máng giã để đồ cơm mới. Phần bông lúa được cho vào cối giã thành gạo, phần cậng lúa được chặt ra bó lại cài lên trần nhà ở ngay vị trí cửa ra vào để giữ hồn lúa ở trong nhà.

Sau lễ là hội của người Xá Phó. Ảnh: TQ - QT

 

Lễ vật dâng cúng rất độc đáo gồm có hoa chuối, thịt sóc hôi một con (vì sóc hôi không ăn lúa), ba bông hoa gừng, 3 củ khoai sọ, 3 quả đỗ, 3 quả mướp, 3 quả cà gai bày trên chiếc mâm đan có nắp. Tất cả các sản vật này được đồ cùng với gạo mới, người Xá Phó dùng chõ gỗ để cho gạo ở dưới, các hoa quả và thịt sóc để ở trên. Khi đồ chín được dâng lên với 1 ống rượu cái, 6 hoặc 8 chén, 6 hoặc 8 đôi đũa tùy theo từng dòng họ. Chủ nhà thắp ba nén hương, cắm vào ống rồi bắt đầu khấn.

Nội dung bài khấn đại ý như: “Hôm nay là ngày tốt tháng lành, gia đình họ Nông chúng con báo cáo ông cụ, bà cụ, tổ tiên cùng vui với con cháu trong gia đình ăn cơm mới. Năm nay thu hoạch lúa được … cum, được ăn như thế này, mang lúa mới về nhà làm cơm mới mời các cụ ông, cụ bà, tổ tiên ăn cùng. Phù hộ cho con cháu sang năm mới trồng lúa thu hoạch được nhiều hơn”.

Khi tàn hương, gia chủ hạ lễ hai vợ chồng ngồi tự ăn mâm cơm vừa dâng lên tổ tiên với ý nghĩa nạp năng lượng thiêng để cầu cho sức khỏe. 

Lễ cúng cơm mới. Ảnh: TQ - QT

 

Vừa ăn vừa gật gù tỏ vẻ sung sướng và vui mừng nhưng không được nói to hoặc cười vì sợ hồn lúa mẹ ở trên gác thấy động mà bỏ đi, ảnh hưởng đến mùa màng. Ăn no ông chủ nhà diễn trò nằm lăn ra ngủ một lúc rồi tỉnh dậy, tiếp tục ăn, sau đó họ dọn mâm này cất đi.

Lúc này, những anh em nhà bếp bố trí bày các mâm cơm để mời anh em cùng ăn cơm mới. Tùy theo số lượng người, gia chủ bố trí đủ mâm mời khách, trong tất cả các mâm đều phải lót dải lá chuối. Chế biến các món ăn từ thịt lợn gồm có lòng, chả nướng, canh xương nấu măng, nước chấm ớt… mỗi mâm ngồi từ 8-10 người, với quan niệm càng đông càng vui, gia đình có nhiều khách chứng tỏ năm đó vụ lúa nương được mùa, anh em con cháu đều đến chúc mừng.

Bà Đỗ Thị Hải, cán bộ văn hóa xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn cho biết, sau khi ăn uống xong, buổi chiều là phần hội với các bài múa bài hát truyền thống và các trò chơi dân gian do người dân trình diễn.

Khép lại ngày lễ hội, gia đình kiêng trong ba ngày, người ta đan phên kẹp trên que tre cắm trước ngõ vào nhà để người trong thôn biết gia đình kiêng không vào nhà. Sau ba ngày, cuộc sống của gia đình trở lại sinh hoạt như thường ngày.

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, Lễ hội Già sợ da của người dân Xá Phó mang đậm bản sắc văn hóa dân gian và tính nhân văn. Nhưng do điều kiện về địa lý, nên nhiều lễ hội của người Xá Phó có phần mai một và đang được phục dựng lại. Các lễ hội dân gian nói chung và Lễ hội Già sợ da nói riêng, cũng nằm trong Đề án phát triển văn hóa, thể thao giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy Lào Cai.

Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 1999 của Cục điều tra dân số và nhà ở, người Xá Phó (dân tộc Phù Lá) có khoảng 4.500 người được phân bố tập trung ở các huyện/TP của Lào Cai như: Sa Pa, Văn Bàn, Bảo Thắng, Cam Đường và xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trần Quý - Quang Thanh