Đến đây, ai cũng lặng người trước những hiện vật thể hiện sự trẻ trung, trong sáng, quên mình khi vận chuyển hàng hóa quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ của 60 TNXP.

Khúc tráng ca động lòng người

Nhìn lại cả quá trình xây dựng, tôn tạo Khu Di tích Quốc gia này, không chỉ người dân Thái Nguyên mà nhân dân cả nước càng thấu hiểu hơn thông điệp tri ân những cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sỹ, các thương, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu TNXP của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và nhân dân Thái Nguyên nói riêng, truyền thống của người Việt nói chung trong giai đoạn phát triển hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng là nén tâm nhang để từng người dân niệm khúc tráng ca 915 thành động lực để xây dựng chiến khu Việt Bắc ngày một giàu đẹp...

Ngày 15/7/1950, tại đồi Gò Thờ, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đội TNXP Trung ương đầu tiên, tiền thân của lực lượng TNXP sau này đã được thành lập với 225 đội viên.

Không chỉ vinh dự là nơi ra đời đầu tiên của lực lượng TNXP Việt Nam, Thái Nguyên cũng là một trong những nơi sớm thành lập lực lượng TNXP tập trung. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng vạn người con của Thái Nguyên - Bắc Kạn đã tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng TNXP đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, trong đó có nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử, mà điển hình là sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91, vào đêm Noel ngày 24/12/1972 tại khu vực ga Lưu Xá, TP Thái Nguyên. 

Đây là tổn thất rất to lớn của lực lượng TNXP miền Bắc nói chung, TNXP Bắc Thái nói riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lưu Xá trở thành một địa danh gắn với lịch sử chiến đấu và phục vụ chiến đấu của lực lượng TNXP, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở miền Bắc XHCN.

Sự hy sinh của 60 đội viên của Đại đội 915 TNXP là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bản anh hùng ca bất tử của tuổi trẻ Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “Đâu cần thanh niên có. Việc gì khó có thanh niên” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Ghi nhận những chiến công xuất sắc và sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sỹ Đại đội 915 TNXP, ngày 25/12/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định phong tặng Đại đội 915 TNXP danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khu Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) là một trong những chứng tích hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây cũng là kết tinh công sức, tâm huyết, trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh ủy Thái Nguyên biên soạn, xuất bản cuốn sách: Đại đội TNXP 915- Khúc tráng ca bất tử

 

Chứng tích hào hùng

Năm 1996, Thành đoàn TP Thái Nguyên, các cựu TNXP, nhân dân địa phương quyên góp được 150 triệu đồng xây dựng nhà bia. Việc quản lý di tích do các TNXP và nhân dân tự nguyện thực hiện.

Năm 2008, Khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2009, Khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Với ý nghĩa là nơi tham quan, chiêm bái, tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, năm 2010, Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích được UBND tỉnh phê duyệt có diện tích 1.746,3m2 với các hạng mục xây dựng như: Đền thờ liệt sĩ, nhà phụ trợ, phù điêu, lầu chuông và một số hạng mục quan trọng khác, với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 95 tỷ đồng.

Giai đoạn I, Dự án được giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên làm chủ đầu tư, triển khai thi công từ năm 2012, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 4 hạng mục: Nhà tưởng niệm; nhà bia; lầu chuông, lầu khánh và sân hành lễ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 34,5 tỷ đồng.

Giai đoạn II của Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng quảng trường trung tâm với diện tích 4.500m2; 6 trụ huyền thoại bằng đá nguyên khối; hồ nước và cầu đá bắc qua hồ với diện tích khoảng 1.000m2; nhà bảo vệ; am hóa vàng; nhà vệ sinh… và các hạng mục phụ trợ khác như: bãi đỗ xe, sân đường nội bộ, cổng, tường rào, hệ thống cấp thoát nước ngoài nhà, bể chứa nước, hệ thống cấp điện trong và ngoài nhà, bồn hoa, cây xanh… được giao cho Tỉnh Đoàn Thái Nguyên thực hiện với tổng kinh phí 26,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho Trung ương Đoàn.

Đầu năm 2018, công tác tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai quyết liệt hơn. Ngày 23/3/2018, UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về việc tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích, thường xuyên báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy về các nhiệm vụ đang triển khai.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt đó, đến nay, các hạng mục của Di tích đã triển khai, cơ bản hoàn thành gồm: Hồ nước, lan can, cầu đá; Am hóa vàng; Nhà bảo vệ; Bể ngầm, sân vườn, hệ thống điện, cấp thoát nước. Các hạng mục đang tiến hành tu bổ, tôn tạo gồm cải tạo nhà tưởng niệm; Tu bổ, tôn tạo lầu chuông, lầu khánh; Tu bổ, tôn tạo hồ nước; Nhà đón tiếp và trưng bày hiện vật; Xây mới cổng tam quan; Trụ huyền thoại, hàng rào… đã và đang hoàn thành chờ nghiệm thu. Mặt bằng di tích cũng được quyết định mở rộng từ 1,1ha lên 4,75ha, định hướng điều chỉnh quy hoạch lên 14,7ha.

Giữa đất trời bừng nở sắc xuân, rưng rưng lay động lòng người nén tâm nhang thắp lên từ Di tích Quốc gia Đại đội TNXP 915... 

Dâng hương tại Khu Di tích Quốc gia Đại đội TNXP 915, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng, với truyền thống của vùng đất chiến khu cách mạng, thủ đô kháng chiến, thủ đô gió ngàn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu vươn lên về mọi mặt để xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, người dân có cuộc sống ngày càng được ấm no, hạnh phúc như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy qua những lần về thăm tỉnh.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã biên soạn và xuất bản cuốn sách dày 128 trang, với tựa đề: “Đại đội TNXP 915- Khúc tráng ca bất tử”, gồm 3 phần: Phần I: Khúc tráng ca đêm Noel năm 1972; Phần II - Đại đội 915 - Tượng đài trong lòng dân tộc; Phần III - Thái Nguyên - Những địa danh gắn liền với Lực lượng TNXP.

Theo ông Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, việc biên soạn, xuất bản cuốn sách lịch sử “Đại đội TNXP 915 - Khúc tráng ca bất tử” nhằm ghi lại thêm nhiều dấu ấn về những mốc son lịch sử để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và giới thiệu với bạn đọc trong nước, quốc tế về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất Thái Nguyên - Thủ đô gió ngàn; ghi lại chiến công bất tử của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn đối với những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để đất nước thêm nở hoa, kết trái, nhân dân được thái bình, ấm no, hạnh phúc.


PV