Quy rõ thời gian trả lời báo chí

Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí là một nội dung được nhiều báo chí quan tâm nhất. Điều 38 Dự thảo Luật quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin…”.

Đánh giá cao nhiều quy định mới sát thực tiễn, nhiều nhà báo cũng đặt ra băn khoăn và cho rằng, qui định về nội dung này còn “nhạt”. Hiện nay, để cung cấp thông tin cho báo chí, các cơ quan chức năng đã xây dựng quy chế người phát ngôn. Thực tế, vẫn có tình trạng “né tránh cung cấp thông tin cho báo chí” và người phát ngôn cũng “dè dặt”, nhất là các vụ liên quan đến các vấn đề tiêu cực, tham nhũng.

Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam Vũ Thế Lân, Tổng Biên tập Báo Đời sống và Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh đều cho rằng, cần quy định thời gian các cơ quan, tổ chức, cá nhân trả lời báo chí khi nhận được yêu cầu từ phía các cơ quan thông tấn báo chí, đồng thời cần quy định chế tài đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình “né” cung cấp thông tin cho báo chí”.

Quyết liệt hơn, Tổng Biên tập Báo Khoa học và Đời sống Nguyễn Minh Quang đề xuất qui định cho cơ quan báo chí được “kiện ra tòa” nếu cơ quan có thẩm quyền không trả lời ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến mới đảm bảo trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân để giải quyết tình trạng “chậm trễ” trả lời báo chí.

Không chỉ thế, có ý kiến nhấn mạnh, nếu không có cơ chế bảo vệ nhà báo thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính phản biện của báo chí, và điều này cần phải được quy định trong dự thảo luật.

“Báo chí công dân”: Luật nào điều chỉnh?

Về loại hình báo chí, dự thảo quy định cụ thể với 4 loại hình báo chí (báo chí in, báo nói, báo hình, báo chí điện tử) cùng định nghĩa đối với một số nội dung liên quan đến báo chí: Bản tin thông tấn; chương trình truyền hình phát thanh, kênh chương trình, chương trình thời sự, phụ trương, đặc san, bản tin, trang chủ, phát hành báo chí in, truyền dẫn phát sóng, liên kết hoạt động báo chí, chương trình liên kết…

Tổng Biên tập Báo Tiền phong Lê Xuân Sơn đặt vấn đề: “Nhìn chung, Dự thảo chỉ bao hàm và điều chỉnh được các cơ quan báo chí “chính thống”. Vậy “báo chí công dân” thì luật nào điều chỉnh? Nếu có một dự án luật riêng thì tốt, nếu không thì nên phát triển thêm chương điều chỉnh “báo chí công dân” trong Dự án Luật này”.

Còn theo Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam, hiện thông tin trên mạng rất rộng mở, nếu không quy định thì không thể quản lý được. “Nên chăng sửa đổi thành Luật Báo chí và Thông tin hoặc Luật Báo chí và Truyền thông để bao hàm cả các loại hình thông tin khác nữa”, ông Trung nói.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Dường như Dự thảo Luật đang “né” một hiện thực là hiện có hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… và một số lượng lớn blog cá nhân không chỉ đưa lên mạng những thông tin riêng của tổ chức, cá nhân mà còn cung cấp cho người đọc tin tức và trình bày quan điểm riêng về nhiều vấn đề thời sự không khác gì một tờ báo điện tử. “Tình hình này đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết trong hoạt động quản lý Nhà nước về thông tin và truyền thông. Đã đến lúc chúng ta phải có cách ứng xử thích hợp hơn” - GS Thuyết nhấn mạnh.

Một vấn đề “nóng” cũng nhận được quan tâm đó là Điều 18 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan báo chí là cơ quan thực hiện một hoặc một số loại hình báo chí quy định tại Điều 3 của Luật này và tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện”. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu, không phải doanh nghiệp. Doanh nghiệp không có báo chí.

Điều 43 Dự thảo Luật quy định rõ vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí. Hoạt động này nhằm tạo điều kiện để cơ quan báo chí phát triển, là xu thế chung để tận dụng xã hội hóa. Tuy nhiên, liên kết phải có giới hạn, không ảnh hưởng tôn chỉ mục đích của báo chí…

Cấm tiết lộ bí mật đời tư, xuyên tạc lịch sử

Luật Báo chí hiện hành quy định "những điều không được thông tin trên báo chí" thì Điều 11 Dự thảo quy định cụ thể "những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí". Dự luật bổ sung quy định cấm thông tin nhiều vấn đề trên báo chí: Bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân...

Dự thảo cũng quy định cụ thể những hành vi bị cấm: Hoạt động báo chí không có giấy phép; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép được cấp; làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn các loại giấy phép, thẻ nhà báo; in, phát hành sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; phát sóng nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành...


Thảo Nguyên