Ấn được phát tại 3 điểm gồm nhà giải vũ, phòng trưng bày và đền Trùng Hoa. Để tổ chức tốt lễ hội, Ban Tổ chức thành lập 4 tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự, hậu cần. Các tiểu ban có nhiệm vụ riêng triển khai thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Lễ hội đền Trần năm 2018 có các hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ; rước nước, tế cá; múa lân; biểu diễn võ thuật... Trong đó, trọng tâm là Lễ Khai ấn diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng (1/3).

Đại diện Ban Tổ chức lễ hội đền Trần năm 2018 cho biết, điểm đổi mới tại lễ hội đền Trần năm 2018 là phía Ban Tổ chức sẽ lắp đặt camera chỗ đại biểu đứng, nếu tình trạng ném tiền lẻ lên kiệu vẫn xảy ra, phía Ban Tổ chức sẽ trích xuất camera xác định người ném tiền lẻ và gửi thông báo về nơi người này công tác để cuối năm đánh giá phê bình, khiển trách.

Được biết, năm nay sẽ có thêm thanh tra ngân hàng cùng các tiểu ban, nếu phát hiện người kinh doanh chèo kéo khách đổi tiền lẻ sẽ thu tiền và xử phạt.

Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng đã có văn bản yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội khai ấn đền Trần phối hợp với các cơ quan chức năng có phương án và tổ chức triển khai phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện...

Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VH-TT&DLtỉnh Nam Định có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm ở lễ hội đền Trần; bố trí các điểm phát ấn thuận lợi cho người dân, du khách, có phương án khắc phục hiện tượng phản cảm "đưa tiền lấy ấn".

Nhằm tránh tình trạng đại biểu tham gia dự lễ ném tiền vào kiệu ấn và không để xảy ra hiện tượng cướp lộc trên ban thờ, Cục Văn hóa cơ sở yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định, Ban Tổ chức lễ hội đền Trần 2018 cần thực hiện đổi mới phương thức và bố trí khuôn viên rước kiệu phù hợp, có biện pháp khắc phục hiện tượng chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự.

Cùng với đó, các phòng chuyên môn, Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Theo kế hoạch, vào 23h15, đêm 14 tháng Giêng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện nghi lễ khai ấn. 14 cụ cao niên phường Lộc Vượng, TP Nam Định cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể sẽ vào nội cung chứng kiến nghi lễ và đóng dấu khai ấn.

Bốn cánh ấn bằng giấy màu vàng sẽ được Trưởng từ đền Trần cất giữ sau đó dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng. Sau khi khai ấn xong, từ 23h55, Ban Tổ chức sẽ mở cửa đền cho người dân, du khách vào lễ.

Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân 14 vị vua Trần. Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. "Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp lễ hội đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương", "Trần miếu tự điển" mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.

Hoàng Long