Ngày nay, tôi được nghe người ta hát:

Mùa xuân đâu nở giữa trời,
Nở từ mặt đất, sâu nơi lòng người
Và: Nếu mùa xuân là hạnh phúc của cuộc đời
Tôi tình nguyện làm người bảo vệ
.

Vậy là, thường vào đầu năm mới, tôi dành thời gian nghe lòng mình lắng đọng những thanh âm mùa xuân trong nhạc Việt.

Nhớ lại những năm 1944 - 1945, cuộc đời đất nước và thân phận con người thật lâm ly bi đát. Dân ta một cổ ba tròng áp bức. 2 triệu người chết đói. Không khí xã hội ngột ngạt, bế tắc đến tận cùng. Nhiều bài hát ngày ấy âu sầu, bi lụy đến nẫu ruột gan: “… Biết đâu bờ bến, một con thuyền trong đêm thâu”… “Trời mong mây tan/Dương thế bao la sầu”… “…Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt với bao tiếng tơ khóc thương đời… Lệ sầu rơi xuống đàn tôi…”.

Lòng dân tràn đầy uất hận, mong chờ một luồng gió mạnh thổi đến xua tan hết quân thù cướp nước và cuộc đời nô lệ khổ cực lầm than.

Thế rồi, bỗng có một ngày, giữa cái bể khổ trần gian ấy, vút bay lên một bài hát có giai điệu, tiết tấu, ca từ rộn ràng, trẻ trung, tươi vui, trong sáng, mang lại niềm lạc quan, yêu đời khác thường. Đó là bài hát Mùa xuân và tuổi trẻ: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/ Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái/…Hát vang lên! Đời ta thêm thắm tươi/…Lòng đắm say bao nguồn vui sống/…Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm…”. Bài hát Mùa xuân và tuổi trẻ cùng với nhiều bài hát khác như Tiếng chim gọi đàn, Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên… thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong triệu triệu thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân Việt Nam.

Và điều gì đến, ắt sẽ đến. Cuộc cánh mạng mùa thu Tháng 8/1945 bùng nổ và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra. Đất nước tưng bùng trong muôn tiếng ca: “Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm”. “Hèn thay đời nhàn cư/ Hèn thay vui yêu đương/ Coi thường công danh như phù vân” “Tiến lên đường, tới sa trường, ta xứng danh là cảm tử quân” “Ra đi, ra đi, bảo toàn sông núi…/Giành quyền tự do, hạnh phúc cho dân…”.

Chúng ta đã làm nên một Điện Biên Phủ rực rỡ tên vàng. Mỗi độ xuân về, vào dịp kỷ niệm ngày 3 tháng 2 lịch sử, khúc ca ân tình với Đảng vang lên: “Bao năm khổ đau, đất nước ta không mùa xuân/Cuộc đời tăm tối, chốn lao tù bao hờn căm/Vừng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng”. “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng/…Đảng đã đem về mùa xuân của nước non/… Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới/Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi”.

Song, miền Nam vẫn còn giặc. Đau thương, tang tóc ngút trời. Lòng miền Bắc luôn “… Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương/… Ước mơ một mùa xuân bóng dáng tương lai/Đường ta đi lên xây đời trong hoa thơm/Có mùa xuân nào đẹp bằng/Bốn phương, gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”.

Cả nước lên đường, toàn dân ra trận. Năm Kỷ Dậu 1969, một bài ca phổ thơ của Bác Hồ vang vọng khắp non sông, thân thương như tình mẹ, uy nghiêm như hịch truyền chiến đấu:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập! vì tự do!
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên, chiến sỹ, đồng bào!
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn
.

Những đoàn quân rùng rùng ra trận. Những đoàn xe chạy chật đường, vào chở chật cả mùa xuân. “…Em có nghe tiếng mùa xuân về/Lời thôi thúc phải đánh tan giặc kia/ A! Ta chào mùa xuân, hành quân dành chiến thắng. A! Ta chào mùa xuân sục sôi triều cách mạng/Xuân thắm tươi là nơi tiền tuyến/Cùng hành quân đi giữa mùa xuân”.

Lòng người quặn nỗi đau chia cắt khi qua vĩ tuyến 17, lắng nghe sông Đakrông mùa xuân về. “Đakrông ơi! Xuân về đậu vai áo cô gái của Trương Sơn/ Xuân về theo chân bước quân đi rộn ràng/… Ta gọi mùa xuân tới cho tiếng ca rộn ràng/… Đakrôngơi! Dòng sông xanh thắm nối đôi bờ mùa xuân”.

Trên núi rừng các chiến trường miền Nam, hoa mai đã nở vàng các sườn non. Các cô gái văn công hát mừng các chiến sỹ. “Mùa xuân về trong chiến khu/Mừng anh bộ đội, em tặng món quà/Có chi làm quà hơn là hát tặng bài ca/…Mai nầy xuân về hoa nở khắp nhà/Toàn dân ta hát một bài ca”.

Và đại thắng màu xuân năm 1975, Sài Gòn đi trước về sau, tràn ngập niềm hạnh phúc trong ngày hội lớn nhất trên đời: “Mùa xuân nầy về trên quê ta/khắp đất trời biển rộng bao la/Sau 30 năm ta mới gặp nhau/Vui sao nước mắt lại trào/… Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình”.

Nào ai biết mùa xuân của thiên nhiên có tự bao giờ. Nhưng ý nghĩa thật sự và trọn vẹn của mùa xuân đối với dân tộc ta, bắt đầu từ mùa xuân đầu tiên, mùa xuân 1975. “…Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/…Rồi dập dìu mùa xuân theo én về/Người mẹ nhìn đàn con nay đã về/… Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh/Niềm vui phút giây như đang long lanh/ Ôi! Giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi! Giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm/ Từ đây người biết quê mình/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người/ Một trưa nắng hôm nay mênh mông/… Một trưa nắng cho bao tâm hồn…”.

Trước giờ phút sắp ngã xuống pháp trường, chị Võ Thị Sáu ước mơ quê hương miền đất đỏ của mình rộ “Mùa hoa Lêkima nở/…Và mùa xuân lan tràn xứ sở…”. Giờ đây, mùa xuân đã đến với mọi miền Tổ quốc thân yêu. Những cung đàn mùa xuân ngân vang khắp nơi nơi “Đường vui nay bước thênh thang/ Tâm hồn lộng gió em ơi!/Xuân về non nước bao la/ Xây đời mộng ước tương lai/ Em ơi, vút lên một tiếng đàn…”.

Mùa xuân nói với ta điều gì, mà sao mắt em vui thế/ Mùa xuân hát trên cánh đồng/ Mùa xuân hát trong nắng vàng/ Mùa xuân hát trong mỗi người/ Và niềm vui đến mỗi ngày/ Và tình yêu mãi ban đầu…”. Sắc xuân đằm thắm, thanh bình bên làng lúa, làng hoa bên Hồ Tây và trên các con phố nhỏ: “Anh đi bên em mùa xuân Hà Nội/ Sắc hoa Ngọc Hà, hoa đào Quảng Bá/… Thiêng liêng Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội…”. Mùa xuân âm vang bên công trình thủy lợi Trị An. Mùa xuân cất cánh từ những giếng dầu giữa biển cả: “Mùa xuân đến, rạo rực lòng ta/ Mùa xuân từ những giàn khoan giữa trùng khơi dạt dào sóng vỗ…”.

Mùa xuân đem lại biết bao vui tươi, hạnh phúc cho con người: “Mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng/ Mùa xuân người ra đồng, lộc trải dài nương lúa/…Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời…”.

Mùa xuân đến bên cửa sổ có hai người hôn nhau, tràn đầy ước mơ, hy vọng “Khi tạm biệt mùa xuân, anh lính về biên giới, cô gái vào ca ba/Họ vững tin rồi mùa xuân sẽ quay về/…Tạm biệt rồi còn nhớ mãi nụ hôn”.

Đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, lòng người không có mùa xuân, thì mùa xuân của thiên nhiên sẽ không có ý nghĩa. Mùa xuân trong âm nhạc Việt Nam không chỉ có cỏ non, ngàn hoa đua nở, chim én liệng lưng trời, đàn chim ríu rít ca, mà là mùa xuân của đấu tranh giành độc lâp, tự do, thoát khỏi đời nô lệ, lầm than, cái thiêng liêng, quý báu nhất của một dân tộc. Mùa xuân trong âm nhạc Việt Nam là khát vọng sống ấm no, hạnh phúc trong thanh bình, yên ấm. Mùa xuân trong âm nhạc Việt Nam là mùa xuân của tình người, yêu say đắm con người và cuộc sống. Mùa xuân trong âm nhạc Việt Nam là mùa xuân của giá trị nhân văn cao đẹp cho con người trên hành tinh này được sống trong hòa bình, hữu nghị, người với người là bạn, không có hận thù, không còn chiến tranh.

Mùa xuân trong âm nhạc Việt Nam giàu chất lãng mạn cách mạng, thật tươi sáng và thật đẹp. Đó là mùa xuân không chỉ riêng ta, mà cả nhân loại hằng khao khát chờ mong. 

Ngọc Hồ