Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng đại điện các bộ, ban ngành trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. 

Về phía UNESCO có bà Susan Vize - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam.

 Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện dòng họ Nguyễn nhận bằng công nhận Mộc bản Trường Lưu là di sản tư liệu.

Mộc bản trường học Phúc Giang với tên gọi Mộc bản Trường Lưu là bộ ván khắc chữ Hán ngược dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học của dòng họ Nguyễn Huy Tự. Loại “sách” độc đáo này được hình thành từ giữa thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc). Các tư liệu được khắc trên bản đồ gỗ thị khá tinh xảo, thư pháp đẹp, chứa đựng nhiều thông tin về văn hóa, giáo dục, kinh tế xã hội, sự giao lưu giữa các dòng họ thời trước.

Mộc bản Trường học Phúc Giang được khai sinh bởi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Bộ Mộc bản Trường Lưu khắc lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy, dấu khẳng định bản quyền của 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy vốn từng giảng dạy tại Quốc Tử Giám biên soạn ở thế kỷ XVIII. 

Toàn bộ mộc bản được khắc bằng gỗ thị với kỹ thuật thủ công truyền thống. Thư pháp trên 2 mặt mộc bản được khắc nổi theo thể chân thư thể hiện sự thanh thoát. Trải qua những thăng trầm, tao loạn, bộ mộc bản đến nay chỉ còn khoảng 400 bản. Với gần 80 hiện vật (gồm tài liệu, sách, ảnh, bản số hóa, dịch nghĩa), các mô hình tái hiện Mộc bản bằng bản gỗ khắc chữ Hán - Nôm ngược theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 đến 20 hàng chữ với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự…; cùng ấn triện gia huy của dòng họ Nguyễn Huy có thời gian từ 1758 – 1788.

Một số Mộc bản được trưng bày trước hội trường trung tâm Văn hóa- điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: HY

Mộc bản Trường Lưu có 12 tập sách Nho gia đã được in rập và số hóa, bao gồm 2 tập “Tính lý toản yếu đại toàn” (sách rút gọn lại bộ sách do các nhà nho đời Minh biên soạn), 9 tập “Ngũ kinh toản yếu đại toàn” (gồm Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) và 1 tập “Phúc Giang thư viện khải mông - Thư viện quy lễ” (những lễ nghi, phép tắc trong trường học) cùng một số mộc bản có giá trị quý hiếm khác. Ngoài việc là một  kho sách có một không hai của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu do các học giả nổi tiếng của dòng họ này biên soạn và tổ chức chế tác như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Mộc bản Trường Lưu còn là nơi chứa đựng nhiều thông tin phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều mặt các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế - xã hội, giao lưu giữa các dòng họ, danh sĩ và quốc tế, cùng với đó, còn có một số bản đồ đánh dấu chủ quyền, lãnh thổ quốc gia có ý nghĩa to lớn về mặt chứng cứ lịch sử.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã khẳng định: “Kho tàng di sản văn hóa của Hà Tĩnh vô cùng phong phú và đa dạng, mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó có Mộc bản Trường học Phúc Giang, nó không chỉ thể hiện ảnh hưởng và tầm quan trọng của nền giáo dục đối với đất nước và đời sống xã hội từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Mộc bản Trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam”.

Cũng trong sáng 25/9, Mộc bản đã được trưng bày tại trung tâm Văn hóa - điện ảnh để các đại biểu cùng bà con nhân dân tỉnh nhà tham quan trước thềm diễn ra buổi lễ.

Trước đó, vào ngày 19/5/2016, trong Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) tại Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang đã được Ủy ban chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) nhất trí bỏ phiếu công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Hải Yến