Theo đó, ngành Xuất bản phấn đấu đến năm 2020 đạt 450 triệu bản in (tương đương 5 bản/người/năm), trong đó 20 - 30% xuất bản phẩm là xuất bản điện tử; 70% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trung tâm phát hành hiện đại; kim ngạch xuất khẩu xuất bản phẩm đến năm 2030 tăng 4,5 lần so với năm 2013…

Bản quy hoạch cũng chỉ rõ mục tiêu tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 450 triệu bản, tương đương 5 bản/người/năm. Đến năm 2030 là khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản/người/năm. Khoảng 20 - 30% trong số này là xuất bản phẩm điện tử.

Theo ông Lê Nguyên Đại, Giám đốc Công ty sách Thời đại, bắt đầu từ vài con số lâu nay không còn xa lạ gì với chúng ta, như lượng trung bình 4 bản sách/người đã tính cả loại sách giáo khoa, hoặc ấn số 1.000 bản ghi ở trang lưu chiểu của gần như tất cả các xuất bản phẩm - trừ sách giáo khoa, trong khi dân số tăng lên gần 90 triệu, điều này rõ ràng phản ánh tình trạng ngành nghề xuất bản đang thực sự có vấn đề, đang thiếu sinh khí, nếu không muốn nói là xuất bản đang tồn tại không xứng tầm trong xã hội. Càng ngày, hệ thống phát hành càng mất cân đối, không tạo được điều kiện tối thiểu để đưa sách tới rộng rãi công chúng các vùng, miền, không còn là bạn đồng hành gắn bó với hoạt động xuất bản, do đó đã kéo theo sự sụt giảm về số lượng cũng như chất lượng của hoạt động này. Bên cạnh đó, với một hệ thống phát hành mỏng như hiện nay, làm sao có đủ khả năng để đảm đương việc đưa tới tận tay người tiêu dùng lượng ấn phẩm của 64 nhà xuất bản hiện nay, mà con số tựa sách lên tới mức kỷ lục là vài ngàn mỗi tháng, tức là mỗi ngày có trên 60 tựa sách mới. Ngày nay, không còn chuyện “trăm người bán, vạn người mua" nữa, mà là ngược lại.

Chưa kể, sự xuất hiện và cạnh tranh thiếu lạnh mạnh của các đơn vị chuyên bán sách qua mạng mới đây càng cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của lĩnh vực phát hành sách. 

Mới đây, thị trường sách đang diễn ra cuộc “đấu giá” hy hữu giữa Tiki và Vinabook - 2 đơn vị nổi tiếng chuyên bán sách qua mạng. Từ 20% ban đầu, chỉ sau ít ngày, mức giảm giá cho những đầu sách mới toanh đã được hai bên rượt đuổi lên đến 42%, và dọa sẽ còn giảm giá thêm trong những ngày tới. Hiện tượng có 1 không 2 này của làng xuất bản nói lên điều gì? Đầu tiên, "Chúc một ngày tốt lành" - cuốn sách mới của tác giả ăn khách Nguyễn Nhật Ánh được đưa ra làm công cụ để hai bên đấu nhau. Trước ngày phát hành chính thức toàn quốc, trên trang nhà của mình, Tiki đã cho mức giá giảm nhảy múa từ 20 - 25 và 30%. Kể từ ngày sách ra mắt, mức giảm được đưa lên 31 - 35 - 37 - 41%, và hiện tạm dừng ở 42%. Từng cột mốc kể trên đều được đối thủ Vinabook đáp trả bằng con số tương ứng.

Ngoài tác phẩm trên, một số ấn phẩm mới của các cây bút trẻ đang được yêu thích cũng được lôi vào cuộc đại hạ giá. Với mức giảm khủng đó, hai phía đều cầm chắc lỗ. Trong cuộc chơi đầy bốc đồng này của các nhà phân phối, được lợi nhất vẫn là người mua sách. Nhưng cũng từ đây, việc tạo ra sự hỗn loạn trong thị trường sách là điều khó tránh. 

Không ít hy vọng Đề án Quy hoạch Phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), sẽ khắc phục được sức trì trệ và tự phát của lĩnh vực phát hành từ nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, vẫn đưa ra những nguyên nhân cũ, đó là thị trường xuất bản phẩm phân bố và phát triển không đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... trong khi ở các tỉnh lỵ, vùng nông thôn, nhất là các huyện biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, mạng lưới phát hành sách còn yếu, thậm chí có nơi không có hiệu sách…

Vậy, nguyên nhân sâu xa khiến sách chưa đến được với độc giả, chủ yếu nằm ngay trong bản thân của ngành, mà trọng tâm là mối quan hệ giữa xuất bản - phát hành chưa được giải quyết thỏa đáng. 

Thanh Uyên