Ôn lại kỷ niệm, nhà báo Thuận Hữu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, cách đây 70 năm, ngày 4/4/1949 tại địa danh xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức - đó là Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện.

Ban Giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949)

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về nhưng 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân… 

Ngày 6/7/1949, Trường làm Lễ bế mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. 

Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-  Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”. 

Những dặn dò của Người với các học viên Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng qua 2 lá thư đề ngày 9/6/1949 và 6/7/1949 đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay...

"Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua" - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu khẳng định. 

Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. 

"Nếu như năm 1949, mới chỉ có hơn chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay con số tăng lên trên 800 cơ quan báo chí với 50 nghìn người làm báo… ", Nhà báo Thuận Hữu cho biết .

Nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống về ngôi trường dạy làm báo đầu tiên này, ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao cho Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949).

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Di tích

Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được đặt tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trước khi diễn ra Lễ Kỷ niệm, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức Lễ cắt băng khai mạc triển lãm trưng bày chuyên đề 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Triển lãm trưng bày các tư liệu, hiện vật quý của Trường Đạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa, trong đó có nhiều tư liệu, hiện vật, bút tích, hình ảnh đều là bản gốc lần đầu tiên được biết đến và lần đầu tiên công bố trong dịp này. 

Theo kế hoạch, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và bổ sung các tài liệu, hiện vật liên qua với mong muốn giới thiệu được đầy đủ hơn câu chuyện rất độc đáo, rất đặc biệt về cơ sở đào tạo báo chí cách mạng - Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong lịch sử báo chí nước nhà.

Thái Hải