Vẫn còn tình trạng phản cảm

Hàng năm nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống. Riêng những ngày đầu xuân có khoảng 2.000 lễ hội lớn nhỏ, ở khắp các vùng miền, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần tích cực trong việc kết nối cộng đồng, đồng thời bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc.

Nhìn lại năm 2018, mặc dù đã có nhiều chuyển biến song nỗi lo về sự lệch lạc, biến tướng ở nhiều lễ hội truyền thống vẫn tồn tại. Hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; đốt vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ di tích; một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính; hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội.

Một số lễ hội, di tích vẫn xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số điểm; một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Trong công tác quản lý, kiểm soát các lễ hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đơn cử, tại Hà Nội, một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, mặc dù công tác chuẩn bị được thực hiện khá kỹ lưỡng, bài bản từ khâu chuẩn bị đến công tác kiểm tra, kiểm soát, lập đường dây nóng, huy động lực lượng thanh niên, thậm chí có lễ hội lớn như lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) còn huy động lực lượng công an để bảo đảm trật tự an ninh, an toàn, song vẫn xảy ra những hiện tượng gây phản cảm…

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, bằng nhiều giải pháp khác nhau cũng đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai (xã Bàn Giản, Vĩnh Phúc) không có nội dung cướp phết, thay thế là thực hành trình diễn nghi lễ...

Phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ- CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ được ban hành, nhiều kỳ vọng mới tiếp tục được đặt ra, trong đó nhiều nhất vẫn là hy vọng giảm thiểu các hình ảnh bạo lực, phản cảm. Nghị định đã phân cấp quản lý rất rõ ràng: Nếu các địa phương có lễ hội không có giải pháp khắc phục tiêu cực, tiếp tục để xảy ra các hiện tượng phản cảm khiến dư luận xã hội lên án thì lãnh đạo địa phương sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Bắt đầu từ mùa hội trước, thay vì có những văn bản nhắc nhở mang tính hành chính thì Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Cục Văn hóa cơ sở thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo cho các lễ hội được diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh.

Các lễ hội như: Hội phết Hiền Quan, lễ hội Đền Trần (Nam Định), chọi trâu Hải Lựu, hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh)... là những địa chỉ đã được thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng biến tướng, phản cảm trong những năm qua.

Điển hình như tại hội Phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), dù đã có những chỉ đạo sát sao nhưng mùa 2018, lễ hội này vẫn tiếp tục là điểm nóng trên truyền thông và dư luận. Năm nay, quyết tâm đẩy lùi những hình ảnh không đẹp mắt, các hiện tượng bạo lực, phản cảm, cuối tháng 12/2018, lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở đã có buổi làm việc với Sở VHTTDL Phú Thọ để lấy lại hình ảnh đẹp cho Hội Phết Hiền Quan.

Mới đây, Bộ VHTTDL cho biết, theo dự kiến, trung tuần tháng 1/2019, toàn bộ kế hoạch tổ chức mùa lễ hội 2019 của các địa phương sẽ gửi về Bộ VHTTDL.

Hy vọng, sự vào cuộc sớm, quyết liệt, chủ động của các cơ quan quản lý, công tác tổ chức lễ hội sẽ được thực hiện nghiêm túc, các tệ nạn được ngăn chặn, đẩy lùi, để từ đó người dân được thụ hưởng những lễ hội an toàn và văn minh.

Thái Hải