Phớt lờ lệnh cấm

UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 6404/UBND-VX1 do Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng ký ngày 23/10 yêu cầu UBND TP Uông Bí chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các đơn vị liên quan xác minh cụ thể những nội dung báo chí phản ánh về việc xâm hại di tích Yên Tử và xử lý nghiêm những vi phạm, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 5/11.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, Cty Tùng Lâm đã bất chấp dư luận, phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh mà tiếp tục hoàn thiện công trình.

Ngày 23/10, Đoàn kiểm tra liên ngành TP Uông Bí yêu cầu Cty Tùng Lâm phải thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Văn bản số 2082/UBND-QLĐT. Cụ thể: Đề nghị Cty Tùng Lâm tạm dừng thi công công trình, hoàn tất các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền. 

Tại thời điểm kiểm tra, Cty Tùng Lâm đã dỡ bỏ điểm sinh hoạt nội bộ của cán bộ Cty; trên nền công trình cũ bị dỡ bỏ Cty đã cho đổ móng và các cột trụ bê tông, kích thước trôn trụ là 13,73mx13,73m. Tại thời điểm kiểm tra, phía Cty đã ngừng thi công theo chỉ đạo của UBND TP Uông Bí.

Lực lượng liên ngành TP Uông Bí kiểm tra công trình ngày 23/10. Ảnh: PV

             

 Thời điểm đó, tại công trình mới dựng lên vài cột trụ và chân móng. Ảnh: PV

Thế nhưng, sáng ngày 28/10, nghĩa là sau 5 ngày thực hiện chỉ thị của TP Uông Bí ngừng thi công công trình, PV ghi nhận được những hình ảnh hoàn toàn khác lạ so với thời điểm trước đó. Các hạng mục vẫn được triển khai. Cty vẫn tiếp tục xây dựng ồ ạt. Cụ thể, thợ thi công đã kịp lăp đặt cốt pha để đổ dầm bê tông phần mái, giàn giáo vừa được lắp đặt tiếp, sắt thép còn vương vãi.


Công trình vừa đổ cốp pha còn tươi màu vữa, ảnh chụp sáng 28/10

Theo lý giải của Cty, đây là một công trình đẹp, hợp cảnh quan, điểm dừng chân lý tưởng của du khách về Yên Tử. Sau khi hoàn thành, công trình nhà văn hóa sẽ là nơi thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm. 

Khi PV hỏi: Tại sao lại cứ phải đặt ban thờ ở đây trong khi Yên Tử là Kinh đô Phật giáo, nơi có hàng chục ngôi chùa thờ Phật và Tam tổ Trúc Lâm? Ông Thanh cho rằng, vì cán bộ nhân viên Cty muốn tỏ lòng thành kính với Phật Hoàng. Nếu không đặt Tam bảo ở đây thì Cty không còn chỗ nào nữa. 

Khoản 2, Điều 3 Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH giải thích từ ngữ: Cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng là nơi hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng bao gồm: Đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ và những cơ sở thờ tự khác. Vậy, nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm dựng lên để thờ duyên có gây nhầm lẫn cho du khách là “điểm thờ tự” không? Câu hỏi này, ông Thanh không trả lời.

Xử lý nghiêm sai phạm

Diện tích xây dựng của Nhà văn hóa Cty rộng trên 260m2, rộng gấp gần 5 lần so với Nhà văn hóa ga 1. Công trình này được thiết kế như một ngôi chùa với 8 mái cong uốn lượn, choán hết không gian của sân ga cáp treo.

Kiến trúc sư Nguyễn Nam cho biết: Chưa bàn đến quy trình cấp phép, nhưng tôi thấy kiến trúc cần phải có không gian tĩnh, tạo độ thoáng cần thiết, hài hòa, nhất là đối với công trình văn hóa như Yên Tử. Có nhất thiết phải đưa thêm một công trình vào ngay khoảng không chật hẹp như dưới chân ga cáp treo như thế nữa không? Giống như bạn làm một cái nhà, bạn cũng phải trừ diện tích để làm cái sân, vừa lấy khí và tạo độ thoáng cho ngôi nhà. Kiểu như anh đội mũ thì phải có vành vậy. Đừng nên tham một tý diện tích mà phá vỡ hết cảnh quan tổng thể.

Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí khẳng định, công trình Nhà văn hóa của Cty Tùng Lâm đã xây dựng không phép. Đây là công trình xây dựng trong vùng lõi của Danh thắng Yên Tử phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch; phải được Cục Di sản phê duyệt kiến trúc, công năng. Thế nhưng, Cty Tùng Lâm bỏ qua các thủ tục này. 

Trước đó, UBND TP Uông Bí đã ban hành Công văn số 2082/UBND-QLĐT yêu cầu Cty báo cáo xin phép UBND tỉnh theo đúng quy định hiện hành. Chưa kể, trong Văn bản số 212CB-TL, Cty Tùng Lâm xin sửa chữa nhà văn hóa ga cáp treo. Trên thực thực tế, công trình lại được xây dựng mới hoành tráng, kiến trúc hoàn toàn xa lạ, diện tích rộng gấp 5 lần so với công trình cũ. “Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm với những sai phạm của Cty Tùng Lâm. Nếu Cty không chấp hành chúng tôi sẽ yêu cầu tháo dỡ, trả về nguyên trạng”, ông Đạt nói.

Về việc sai phạm của Cty khi xây dựng cầu suối Giải oan cách đây 6 năm, khi chưa được cấp phép mà vẫn tồn tại đến nay, ông Đạt hứa sẽ cho kiểm tra, nếu Cty chưa có giấy phép thì sẽ có biện pháp xử lý và thông tin sớm với báo chí.

Ông Hồ Chí Đức, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch Quảng Ninh nói: Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền TP Uông Bí, các đơn vị liên quan xử lý nghiêm những vi phạm của Cty Tùng Lâm đối với công trình nhà văn hóa truyền thống để báo cáo UBND tỉnh đúng thời hạn.

Dư luận trông chờ vào sự nghiêm minh của các cấp chính quyền TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cũng như Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch đối với công trình xây dựng không phép xâm hại Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, không để lặp lại bài học ‘’tiền trảm hậu tấu" mà Cty Tùng Lâm làm “bảo bối” để xây dựng được 9 công trình không phép tại Yên Tử.

PV