Vượt cả ngàn cây số, ông Nguyễn Văn Dinh, quận 1, TP HCM mới đến được Yên Tử. Dù tuổi đã gần 80, nhưng ông vẫn quyết tâm leo bộ lên chùa Đồng. Được trở về với Kinh đô Phật giáo Việt Nam, đó là niềm vui lớn của tuổi già. Thế nhưng, khi đặt chân lên đến đỉnh non thiêng, ông đã phải chật vật hàng tiếng đồng hồ để tìm cho mình một chỗ đứng lễ Phật.

Ông nói: “Khác với trước, nay tôi cảm thấy chùa Đồng đã mất đi vẻ đẹp thanh tịnh vốn có. Thay cho được tận hưởng không khí trang nghiêm, thanh tịnh, thì tôi phải chứng kiến cảnh chen lấn xô đẩy của người hành lễ, của thợ ảnh, người bán hàng, của loa phóng thanh vang lên ầm ĩ. Lên đến đây rồi, tôi muốn được ngồi thiền trên phiến đá, được nghe những tiếng kinh, mõ, để trở về tỉnh thức, mà sao khó quá”.

Nhiều du khách khi hành hương lên chùa Đồng đã thốt lên: Yên Tử năm nay có nhiều cái mới!

Chùa Đồng nằm trên đỉnh Yên Tử cao trên 1.068m so với mặt nước biển. Diện tich toàn bộ ngôi chùa chưa đến 100m2.  Xung quanh chùa  là các tảng đá cheo leo.

Điều đáng nói, “du khách 3, thợ chụp ảnh 7”, đứng chen chúc nhau trên các mỏm đá. Trái ngược với không gian cần thanh tịnh, là cảnh tượng nhốn nháo của các thợ chụp ảnh chèo kéo, mời khách.

Chưa kể, phía bên phải chùa, nay lại dựng lên một nhà lợp tôn tạm bợ (dùng để ghi công đức-PV), phía bên trái là một kiot bán hàng lưu niệm.

Tiếng của người bán hàng luôn khua khoắng, mời chào du khách mua khánh, mua chuông rồi đem ra cọ vào chùa Đồng và chuông, khánh để lấy may.

Tất cả tạo nên một cảnh náo loạn. Cả hai chiếc khánh, chuông trên chùa Đồng, đã bị bào mòn nhanh chóng bởi bàn tay con người.

Ngội nhà lợp tôn tạm bợ nằm trên các tảng đá 

Còn, nhà lợp tôn tạm bợ cheo leo trên một phiến đá, chắn ngay lối lên chùa. Không những trông mất mỹ quan, mà còn không an toàn, nhất là mùa mưa bão. Gọi là nhà ghi công đức, những cũng thỉnh thoảng mới có bóng vài người, còn hầu như bỏ không.

Chị Nguyễn An, quê Hải Phòng, cầm trong tay một chiếc dây cầu an, màu đỏ, mà theo lời chị, đây là dây cát tường, được thỉnh ở Yên Tử. Chị vội vã buộc chặt chiếc dây vào lan can của chùa Đồng, để cầu một năm mới an lành. Chị cho biết, để có dây này, chị bỏ tiền vào hòm tùy tâm, sau đó, được các sư thầy trì chú và cho treo lên bất cứ nơi nào trong chùa mà mình thích.

Du khách này đang tìm chố để buộc chiếc dây cát tường trên Yên Tử

Được biết, đây là một phong tục văn hóa được du nhập từ nước ngoài. Trên chiếc dây màu đỏ, là một hàng chữ tiếng Trung, nhưng hầu như du khách không hiểu là chữ gì?.

Điều đáng nói, những chiếc dây màu đỏ lạ mắt, được du khách buộc lên khắp nơi, từ gốc cây, đến lăng tháp thiền sư… lên cả chùa Đồng.

Cận cảnh  dòng chữ in trên dây

Phải chăng, đây là nét mới để tạo điểm nhấn cho Danh thắng Yên Tử?

Rời chùa Đồng, trong lòng du khách luôn thổn thức, giá như, về đây được nghe một tiếng chuông, một tiếng kinh cầu nguyện. Giá như, lên đến đỉnh non thiêng, nơi giao thoa trời đất, không phải chứng kiến những cảnh chen lấn xô đẩy, bán hàng, chụp ảnh, để lòng mình được tĩnh tâm thả vào hư không những ước nguyện được phần viên mãn. Giá như, thay cho những chiếc dây được buộc vào mọi ngóc ngách trên chốn thêng Yên Tử, không phải là những dòng chữ lạ, mà là những câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi, “Ở đời có báu thôi tìm kiếm/Phật ở trong Tâm chớ hỏi thiền”.

 T.Uyên