Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, tái hiện Lễ Tịch điền thời vua Lê Đại Hành chọn việc tổ chức cày tịch điền nhằm khuyến khích nông trang.

Theo ghi nhận của phóng viên, hòa chung cùng không khí mùa xuân, lễ hội năm nay thu hút hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương tới tham dự, chứng kiến các nghi lễ đặc sắc của lễ hội.

Lực lượng chức năng được bố trí hợp lý ở nhiều vị trí điều tiết giao thông hiệu quả, đảm bảo các phương tiện tham gia giao thông trật tự, không xuất hiện tình trạng lộn xộn tại lễ hội, tạo điều kiện thuận lợi để người dân du xuân trong không khí vui vẻ, phấn khởi.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn gồm nhiều nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh…

Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ hội Tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý. Những con trâu tuyển chọn và vượt qua các cuộc thi vẽ tranh trên lưng sẽ có vinh dự được tham gia cày ruộng vào lễ hội Tịch điền.

Ban tổ chức lễ hội năm nay cũng tạo điều kiện để du khách thập phương được tham gia dắt những chú trâu được trang trí đẹp mắt để chụp ảnh tạo không khí vui vẻ, thích thú.

Bên cạnh nghi lễ chính thức, tại lễ hội, nhiều gian hàng bày bán sản phẩm nông sản thu hút đông đảo người dân tới xem, mua lấy may vào dịp đầu năm.

Phát biểu tại lễ hội, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Theo sách sử ghi lại, mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay”.

Theo ông Đông, lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Long