Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cho biết, năm 2018, ngành Thanh tra cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC), phòng, chống tham nhũng (PCTN)... Một trong những con số được ghi nhận và đánh giá cao là ngành Thanh tra đã giải quyết hơn 80% các vụ việc KN,TC; có 13 tỉnh, thành phố (Thái Nguyên, Điện Biên, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang…) không còn các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100 của TTCP...

Để đạt được những kết quả đó, có vai trò không nhỏ của báo chí, đặc biệt là Báo Thanh tra trong việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực thi đúng.

Đánh giá cao sự phát triển của Báo Thanh tra trong thời gian qua, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn nói: "Công tác báo chí, thông tin, tuyên truyền của ngành Thanh tra đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Báo Thanh tra, đã không ngừng đổi mới, cải tiến về nội dung, hình thức và ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong làng báo chí cách mạng Việt Nam".

Với vai trò là cơ quan thông tin tuyên truyền của ngành Thanh tra, những năm qua, Báo đã luôn bám sát và phục vụ thiết thực các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thanh tra trong từng thời kỳ. Thông qua nhiều hoạt động, ấn phẩm, bài viết phong phú, thông tin đa dạng, Báo Thanh tra đã góp phần phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ thanh tra trong cả nước, cũng như yêu cầu tuyên truyền các sự kiện có ý nghĩa đặc biệt của đất nước, của ngành Thanh tra.

Nhắc đến Báo Thanh tra, người dân thường có sự tin tưởng và kỳ vọng. Thực tế, đã có nhiều công dân từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tới trụ sở Báo Thanh tra để cung cấp thông tin. Từ đó, Báo Thanh tra đã có những bài viết độc quyền, có sức lan toả lớn, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Bằng những thông tin chính xác, khách quan, có tính pháp lý cao cùng lập luận sắc bén, các bài báo đăng tải trên ấn phẩm báo in hay báo điện tử của Báo Thanh tra đã có tác động rất lớn tới chính quyền các cấp, giúp cán bộ địa phương thấu hiểu, chia sẻ với nỗi khổ của người dân, có cái nhìn khách quan, giải quyết các vụ việc “thấu tình, đạt lý”, đem lại quyền lợi chính đáng, niềm tin trong nhân dân.

Để tiếp tục phục vụ tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và nhu cầu của độc giả, trong thời gian tới, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn yêu cầu, Báo Thanh tra phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động của tờ báo, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, khách quan.

Nội dung bài viết tập trung vào những vấn đề bức xúc của xã hội, được dư luận quan tâm. Đặc biệt phải bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, tăng cường các bài viết chỉ đạo, định hướng công tác toàn ngành của lãnh đạo TTCP, tạo điều kiện cho Thanh tra các bộ, ngành, địa phương nắm được tinh thần, quan điểm chỉ đạo của ngành... để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN.

Báo Thanh tra phải phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giúp lãnh đạo các cấp, ngành và quần chúng nhân dân nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng, vị trí của công tác thanh tra, về tác dụng, hiệu lực, hiệu quả của thanh tra để từ đó có sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sát sao hơn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra ở các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị, cơ sở…

 

Bên cạnh đó, Phó Tổng TTCP Đặng Công Huẩn cũng yêu cầu Báo tăng cường hơn nữa các bài viết tổng kết kinh nghiệm, thực tiễn về công tác thanh tra kinh tế - xã hội, các bài viết nghiên cứu, phản ánh về việc triển khai thực hiện Luật Thanh tra, Luật KN, Luật TC, Luật PCTN và các Nghị định hướng dẫn thi hành.

Nhân 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Tổng Thanh tra nhắn nhủ tới những người làm Báo Thanh tra: "Không biết rõ, không hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết cũng chớ nói, chớ viết càn". Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên trận tuyến tư tưởng văn hóa. Từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo cần tiếp tục phát huy trí tuệ, nhiệt huyết của người làm báo, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và ngành Thanh tra nói riêng, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường, giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

28 năm đồng hành cùng độc giả

Ngày 5/1/1992, Báo Thanh tra - cơ quan ngôn luận của Thanh tra Nhà nước - nay là Thanh tra Chính phủ, phát hành số đầu tiên, chính thức ghi tên mình trong làng báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là báo chí khối Nội chính Trung ương còn hết sức non trẻ, ít ỏi tại thời điểm này.

Khi mới thành lập, Báo chỉ có 8 trang, in đen trắng và phát hành 2 tuần/1 kỳ. Đến nay, Báo đã xuất bản 2 kỳ/tuần, song song với đó là Báo Thanh tra điện tử liên tục cập nhật những thông tin của ngành, cũng như tin tức thời sự nóng hổi trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… diễn ra trong cả nước.

Nhớ lại những ngày đầu, cán bộ công nhân viên của Báo chỉ vẻn vẹn 5 người, trải qua 28 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Báo đã lên tới hơn 60 người, trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Trong suốt chặng đường phát triển, Báo Thanh tra đã có nhiều bài viết mang hơi thở cuộc sống, theo sát những vấn đề thời sự nóng bỏng, được dư luận và nhân dân quan tâm. Nhiều bạn đọc trên cả nước đã gửi thư cảm ơn Báo đã vào cuộc kịp thời, đem lại quyền và lợi ích chính đáng cho người dân. Đó là nguồn động viên, là động lực và món quà vô giá để mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Thanh tra cố gắng mỗi ngày.

Không chỉ để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, 28 năm qua Báo Thanh tra cũng đã khẳng định được vị thế của mình trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm đăng tải trên Báo đã đạt Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí viết về môi trường, trong đó có thể kể đến tác phẩm “Vĩnh Phúc: Của “trời cho” và một dự án "trò chơi"!” của tác giả Dương Thanh Tùng; loạt bài viết liên quan đến Khu Đô thị mới Phước Long (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) của tác giả Nguyễn Tuấn Anh; loạt bài khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép của tác giả Văn Thanh, Thái Hải... Và mới đây, loạt bài viết về "Đấu giá đất Khu dịch vụ thương mại văn phòng và dân cư Khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa" phản ánh về những khuất tất trong quá trình đấu giá 375 lô đất vàng, gây thất thu ngân sách Nhà nước của nhóm tác giả Chu Thủy, Quang Đông đã đạt giải Khuyến khích trong khuôn khổ Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIII - năm 2018.

Với những nỗ lực, cống hiến trong suốt 28 năm qua, tập thể cán bộ và nhiều cá nhân công tác tại Báo Thanh tra đã được Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Chi bộ; Đảng bộ trong sạch vững mạnh; đơn vị xuất sắc; chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở tới cấp ngành và toàn quốc; Huân chương Lao động; Bằng khen, Cờ Thi đua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ.

28 năm - một hành trình đủ dài để Báo Thanh tra khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả. Dẫu biết, công việc còn nhiều áp lực nhưng với nhiệm vụ là “cầu nối”, những người làm Báo Thanh tra thật sự hạnh phúc vì được đồng hành cùng bạn đọc cả nước.


Hải Hà