Đây là năm đầu tiên Giải này được tổ chức với mục đích tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về thành tựu, kết quả trong thực hiện đổi mới, sáng tạo dạy và học trên mọi miền Tổ quốc. Qua đó, phát hiện và tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục, đổi mới sáng tạo trong dạy và học.

Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2018 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Tác phẩm báo chí được trao giải là tác phẩm bằng tiếng Việt, được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 5/9/2017 đến ngày 5/9/2018. Nếu tác phẩm đăng, phát nhiều kỳ thì ít nhất phải có có 2/3 số tác phẩm trong khoảng thời gian nêu trên.

Tác phẩm được xét trao giải phải là những tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về giáo dục và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới giáo dục.

Mỗi tác giả, nhóm tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm tham gia dự. Tác giả có tác phẩm gửi dự Giải không được vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật. Thành viên Hội đồng chấm Giải, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức không được gửi tác phẩm tham dự Giải.

Tác phẩm dự thi gửi đến Báo Giáo dục và Thời đại, số 29B Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc qua Email: cuocthiVSNGDVN@gmail.com từ ngày phát động (18/7/2018) đến 15/9/2018.

Mỗi loại hình báo chí sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Giải Nhất 30 triệu đồng/giải, giải Nhì 15 đồng/giải, giải Ba 10 đồng/giải; giải Khuyến khích 5 đồng/giải. 

Đặc biệt, một tác phẩm xuất sắc được xét chọn từ 4 tác phẩm đoạt giải Nhất của 4 loại hình sẽ được nhận phần thưởng là chuyến thăm tìm hiểu giáo dục tại Vương quốc Anh dành cho 1 người, thời gian 14 ngày, trị giá 130 triệu đồng, không quy đổi thành tiền mặt.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng trao thưởng cho nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Lễ phát động giải thưởng viết về giáo dục diễn ra đúng vào thời điểm điểm nóng về vụ gian lận thi cử ở Hà Giang đang khiến dư luận "dậy sóng".

Trả lời câu hỏi về việc liệu những tác phẩm báo chí mang tính phản biện, phản ánh các tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục có được xem xét trao giải báo chí hay không?

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Ban Tổ chức chúng tôi đã có trao đổi rất kỹ xung quanh tên Giải “Vì sự nghiệp Giáo dục”, do đó, những nội dung gì được phản ánh về sự nghiệp giáo dục nhằm giúp ngành Giáo dục có bước tiến mạnh mẽ đều được ghi nhận. Nội dung đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu nhưng chúng tôi sẽ dành một tỷ lệ thích đáng cho những tác phẩm có tính phản biện, cần đấu tranh, phê bình nhưng quan trọng là đấu tranh phê bình phải có tính xây dựng”.

"Những tác phẩm báo chí cần hướng tới việc giúp xã hội đặt niềm tin vào lẽ phải, đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp vẫn diễn ra trong bức tranh phát triển giáo dục" - ông Lợi nhấn mạnh.


TTH