- Trong bối cảnh “Lò nóng lên rồi...”, Báo chí Việt Nam thời gian qua có đóng góp như thế nào vào cuộc đấu tranh PCTN mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rất quyết liệt?

Trong những năm vừa qua, cuộc đấu tranh PCTN lãng phí do Đảng ta phát động và toàn Đảng, toàn dân tham gia đã đạt được những kết quả rất tích cực, thực sự có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, mọi người đều cảm nhận rõ chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm!

Trên thực tế, các vụ án được xử lý trong những năm vừa qua đã cho thấy quyết tâm cao và cách làm ngày càng khoa học, chặt chẽ, theo kỷ cương, phép nước và pháp luật. Tinh thần chỉ đạo này của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong toàn Đảng, toàn dân.

Hình ảnh Tổng Bí thư nói “Lò nóng lên rồi” thể hiện được quyết tâm cũng như hiệu quả của công cuộc PCTN. Trong bước chuyển tích cực đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của báo chí.

Báo chí luôn đi tiên phong, luôn là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh này. Hầu hết các vụ án được phát hiện đưa ra xét xử nghiêm minh đều có sự tham gia trực tiếp của báo chí. Không chỉ phát hiện, báo chí còn đồng hành với quá trình xử lý. Có thể nói, sự tham gia của báo chí đã làm cho cuộc đấu tranh PCTN lãng phí đạt được những kết quả ngày càng tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu cao của báo chí góp phần vào cuộc đấu tranh hết sức quan trọng trong Đảng và đất nước chúng ta ngày hôm nay.

- Một cách để ghi nhận những đóng góp nêu trên chính là tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”. Bước sang mùa giải thứ 2, chúng ta thấy được điều gì qua các tác phẩm dự thi và đã xuất sắc đạt giải thưa ông?

Mùa giải thứ 2 đang diễn ra và dự kiến sẽ tổng kết và trao giải vào trung tuần tháng 8 tới. Không khí chung của việc báo chí tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN thông qua mùa giải lần đầu cũng như mùa thứ 2 là hết sức sôi động, thể hiện cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí trên báo chí đã được đẩy mạnh. Điều này cũng thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước ta trong sử dụng báo chí như một vũ khí quan trọng của cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí.

Giải Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức là theo sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư. Đó là, phải có một sự kết hợp giữa những phát hiện của các tầng lớp nhân dân thông qua hệ thống MTTQ với báo chí. Vì chính từ sự phát hiện, sự tham gia của nhân dân thì báo chí mới có nguồn tin, có chỗ dựa. Báo chí dù có sắc sảo đến mấy mà không dựa vào tai mắt của nhân dân, không có sự phát hiện, giúp đỡ phối hợp của nhân dân thì cũng không thể nào tham gia vào cuộc đấu tranh này một cách có hiệu quả được. Cho nên, chính sự kết hợp giữa MTTQ với báo chí trong việc tổ chức thực hiện Giải là một sự phối hợp rất cần thiết. 

Trên thực tế, giải đầu tiên cho thấy sự phối hợp này đã đạt được hiệu quả rất tốt. Nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc trên mặt trận này đã được tôn vinh. Chúng ta hy vọng, mùa giải lần thứ 2 này sẽ đạt được kết quả cao hơn.

- Bên cạnh các giải báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam còn có hình thức nào khác để quan tâm, động viên, khích lệ các nhà báo, cơ quan báo chí có những tác phẩm xuất sắc, có kết quả cụ thể trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực?

Đấu tranh PCTN, lãng phí với sự tham gia của báo chí là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và nguy hiểm. Những nhà báo trực tiếp làm nhiệm vụ này phải có tinh thần dấn thân và đôi khi phải chịu những thử thách, khó khăn, thậm chí hiểm nguy. Chính vì thế, Hội Nhà báo Việt Nam luôn là chỗ dựa cho các nhà báo thực hiện nhiệm vụ này. 

Hội sẽ bảo vệ các nhà báo bằng cách luôn phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý những hành vi cản trở đe dọa, hành hung các nhà báo tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí. Tôi nghĩ rằng, sự tham gia đó, sự hỗ trợ, bảo vệ đó của Hội Nhà báo Việt Nam là chỗ dựa về tinh thần rất quan trọng đối với các nhà báo.

Và trên thực tế trong những năm vừa qua, Hội đã can thiệp, phối hợp để xử lý các hành vi vi phạm cản trở các nhà báo đấu tranh PCTN, lãng phí. Sự phối hợp đó là rất có hiệu quả. Điều quan trọng là, anh em báo chí cảm thấy có một chỗ dựa - chỗ dựa vào nhân dân, vào pháp luật, vào đồng nghiệp và vào tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của người làm báo, đấu tranh bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và các lợi ích chính đáng của các nhà báo. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ các nhà báo một cách kiên quyết và mạnh mẽ nhất!

Ngoài ra, không chờ đến khi có giải mới động viên khích lệ mà Hội Nhà báo Việt Nam còn chủ động phát hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc để khen thưởng một cách kịp thời.

Đồng thời, Hội Nhà báo Việt Nam luôn động viên, khích lệ các nhà báo chống tiêu cực, tham nhũng gặp khó khăn do tác nghiệp. Có thể kể ra câu chuyện cách đây khoảng 2 năm, khi nhà báo Đỗ Doãn Hoàng của Báo Lao động bị hành hung khi đang trên đường đến toà soạn, khiến ngón trỏ bàn tay phải của ông bị dập, hiện không thể đánh máy được. Bản thân tôi khi đó đã trực tiếp đến Báo Lao động gặp nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và tập thể nhà Báo Lao động tại một cuộc giao ban đầu tuần để động viên, khích lệ đồng nghiệp, tiếp tục giữ vững tinh thần chiến đấu vì sự thật và lẽ phải.

- Thực sự đã có những nhà báo quả cảm, xứng đáng là những chiến sỹ trên mặt trận PCTN, tiêu cực như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tống tiền, nhận quà, bẻ cong ngòi bút... Ông nghĩ như thế nào về một cuộc thanh lọc trong báo chí?

Chúng ta đã có Luật Báo chí quy định rất rõ những gì nhà báo được làm, không được làm. Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Gần đây, Hội cũng đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Những văn bản đó có tác dụng rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo, đồng thời góp phần giáo dục, cảnh báo, răn đe những việc làm không đúng, không tốt.

Việc gần đây có một số hiện tượng lợi dụng danh nghĩa người làm báo có những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Thực tế, một số người đã bị tước thẻ nhà báo, khai trừ và thu hồi thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, có người đã bị xử lý hình sự. Những biện pháp đó đã được thực hiện rất kiên quyết, nhất là khi chúng ta có một hệ thống Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương, góp phần vào ngăn chặn các hành vi sai phạm trong hoạt động báo chí.

- Theo ông, báo chí cần tập trung vào điều gì để trở thành vũ khí sắc bén trong công cuộc PCTN hiện nay ở nước ta?

Công cuộc PCTN, lãng phí ở nước ta hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Theo tôi, các lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng, quản lý đất đai, phê duyệt các dự án, công tác tổ chức, cán bộ, chạy chức, chạy quyền… là các lĩnh vực nóng, thường xảy ra các vi phạm, hay nói cách khác, đây là môi trường dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Báo chí cần quan tâm những lĩnh vực này để khai thác được các đề tài, từ đó phát hiện ra các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu tham nhũng, góp phần cùng các cơ quan bao vệ pháp luật tổ chức điều tra xác minh và xử lý theo các quy định của pháp luật. 

- Và, để báo chí góp phần tích cực hơn nữa vào cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, thì tới đây nên có những biện pháp gì, thưa ông?

Trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và các cơ quan chức năng liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí từ trung ương đến địa phương, để báo chí có được những thông tin chính xác và tin cậy nhất về các hiện tượng tiêu cực, các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với các hệ thống chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến địa phương, các tầng lớp nhân dân để nhà báo có được những thông tin, có thể chỉ là bước đầu manh nha, nhưng đó là sự tiếp cận kịp thời và từ đó đưa ra được các thông tin đáng tin cậy.

Thứ ba, các nhà báo đấu tranh PCTN, lãng phí phải tiếp tục thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. 

Thứ tư, Các nhà báo cần được tác nghiệp trong môi trường an toàn và thuận lợi, cần được bảo vệ. Đó là sự bảo vệ của luật pháp, của các tầng lớp nhân dân, của hệ thống các tổ chức chính quyền, đoàn thể và của chính các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo và các đồng nghiệp. Đây phải là chỗ dựa cho các nhà báo tác nghiệp, để làm sao nhà báo đấu tranh PCTN giống như một người ra trận, luôn ở phía sau họ, xung quanh họ là những lực lượng tin cậy bảo vệ họ. 

Tôi tin là, nếu có được môi trường đó thì các nhà báo sẽ làm việc hiệu quả hơn và chắc chắn sẽ đóng góp được tốt hơn cho cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí.

- Xin trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Báo Thanh tra!

---------------------------------
(*) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 27/4/2018

Ngọc Bích (Thực hiện)