Tham gia lễ hội năm nay có hàng trăm nghệ nhân tiêu biểu đến từ các xã, thị trấn trong và ngoài huyện cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội diễn ra trong hai ngày 1 và 2/9 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Tái hiện lại không gian văn hóa khèn Mông, không gian văn hóa chợ phiên; Hội thi múa khèn; trình diễn các trang phục dân tộc, bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động phụ trợ như giới thiệu cách làm khèn Mông; các hoạt động đan lát…

Diễn viên Đoàn Nghệ thuật Hoa Lê Trắng huyện Đồng Văn và nghệ nhân các xã biểu diễn tiết mục múa khèn. Ảnh: BB

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Trưởng ban Tổ chức cho biết, lễ hội khèn Mông lần thứ 4 năm 2017 là hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông. Đây là dịp để diễn viên, nghệ nhân được giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc mình, gắn hoạt động văn hóa của các dân tộc với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt quan tâm “bảo tồn sống” các loại hình văn hóa dân gian đang còn lưu truyền trong nhân dân thông qua hoạt động được tổ chức trong lễ hội. Sưu tầm phục hồi các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Mông, nhân rộng mô hình truyền dạy nghề chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho phát triển ngành du lịch, dịch vụ, thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch đến với cao nguyên đá, đến với Đồng Văn, ông Ngọc thông tin.

Từ lâu, cây khèn Mông là nhạc cụ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Mông, khèn luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai trên đường xuống chợ hay đi lên nương, để những lúc nghỉ ngơi họ lại thả hồn vào những điệu khèn du dương, khèn Mông cũng là một vật để thể hiện khúc tâm tình của chàng trai đến với cô gái mà họ yêu thương.

Trong những ngày diễn ra lễ hội các nghệ nhân có cơ hội thể hiện tài năng và mang tiếng khèn của mình đến với du khách thập phương. Trong lễ hội khèn Mông, nghệ nhân tham gia thi đấu thường biểu diễn những ca khúc truyền thống, gắn bó với người dân tộc miền núi. Những bài hát ăn sâu vào tâm trí của họ như khóc thương cha mẹ, xuống chợ, gọi bạn, tỏ tình… Ẩn sau trong bài hát là tâm tình, là xúc cảm, nỗi niềm cũng như ước muốn của người dân tộc Mông trong đời sống tinh thần.

Lễ hội khèn Mông có sự tham gia của cả nam và nữ, họ có thể biểu diễn đơn nam, đơn nữ; theo cặp nam nữ; 2 nam… giữa sự cổ vũ nhiệt tình và sôi động của đông đảo mọi người. Tham gia biểu diễn, ai nấy đều vui vẻ và thả hồn mình vào trong từng làn điệu khèn bay bổng.

Đến với lễ hội, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa đầy sắc màu của đồng bào với loại hình nghệ thuật đặc sắc khác như: Hát ống, hát phươn, mời rượu, các trò chơi dân gian như leo dây, leo cây, đánh sảng, đánh yến, đập bóng, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ, chọi chim họa mi và trình diễn các trang phục dân tộc.

Ngoài ra, du khách còn thỏa sức chọn mua cho mình những món đồ lưu niệm ưng ý do chính đồng bào nơi đây làm ra. 

Đặc biệt hơn nữa du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm các hoạt động tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia tộc họ Vương như: Nấu các món ăn truyền thống của dân tộc Mông, nấu rượu ngô, rượu Tam giác mạch… du khách còn được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị vùng cao nhưng cũng không kém phần hấp dẫn như thắng cố, mèn mén…

Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên ghi lại tại lễ hội khèn Mông Đồng Văn lần thứ tư năm 2017.

Nghệ nhân các xã biểu diễn. Ảnh: BB

Ném còn, trò chơi dân gian của dân tộc Mông. Ảnh: BB

Chọi dê là một trong những hoạt động của lễ hội. Ảnh: BB

Gian hàng giới thiều đồ thủ công mỹ nghệ do người Mông làm ra. Ảnh: BB

Tái hiện lại cách nấu rượu ngô truyền thống của người Mông tại khu di tích nhà Vương. Ảnh: BB

Du khách trải nghiệm cách dệt vải truyền thống. Ảnh: BB

Bùi Bình