Chuẩn bị một năm cho một ngày tế lễ

Tương truyền, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua ban sắc phong… Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó đến nay, qua nhiều đời, cứ đến ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn khao quân để tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương - Thành Hoàng làng.

Theo lệ hàng năm, cứ đến trước ngày hội làng nửa tháng, các chức dịch sắc mục và 6 ông cai đám của 6 giáp (tức là 6 xóm) họp mặt ở đình làng. Mỗi giáp cử ra 4 ông lềnh, làm người đại diện cho giáp của mình. Các ông này phải là người có địa vị cao trong giáp, có đức hạnh, vợ con song toàn... Cả làng có 24 ông họp thành món chạ, chia nhau kiểm soát kỷ cương và lễ vật hàng năm của lễ hội. Luật tục ngày xưa quy định rất nghiêm ngặt đối với việc cử người tham gia vào tế lễ hay việc trông coi những công việc ở chốn đình trung trong lễ hội.

Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội chính thức bắt đầu từ sáng mồng 7 tháng Giêng lúc thay áo mũ một lần nữa cho Thành Hoàng làng bằng áo long cổn, cân đai bối tử, mũ võ (tức là trang phục lễ hội) để chuẩn bị vào đám rước và các cuộc tế lễ kéo dài đến 15 tháng Giêng.

Tâm điểm của lễ hội là đêm 13 tháng Giêng cũng là ngày giỗ của Thành Hoàng Làng. Đây cũng là lúc “nghiệm thu” kết quả của cai đám đã chuẩn bị suốt trong vòng 1 năm qua từ nuôi lợn để rước và tế Thành Hoàng làng. “Đây là một việc hệ trọng bởi các giáp không những muốn cúng tiến Thành Hoàng làng mình một con lợn vừa béo, vừa đẹp, mà ở đây còn là sự thể hiện danh dự của giáp”, ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng Ban Khánh tiết của lễ hội làng La Phù chia sẻ.

Một lễ rước đặc sắc và đặc biệt

Theo Ban Khánh tiết của lễ hội, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ, quy ước trong tổ chức lễ hội từ ngàn đời xưa truyền lại thì ngày nay do dân số phát triển, con cháu trong làng ngày càng đông lên nên quy mô của lễ hội cũng gấp nhiều lần so với xưa, vật tế lễ là ông lợn xưa chỉ 50 - 60kg giờ cũng lên cả 2,6 - 3 tạ...

Một điều khác biệt là nếu như so với nhiều làng khác thuộc đồng bằng Bắc bộ rước tế lợn còn sống thì lợn tế của La Phù đã được mổ, cạo sạch lông, nhưng để nguyên cả con, sau đó được văng lên chõng và được trang trí đẹp đẽ để rước ra đình làm lễ tế Thành Hoàng.

Một ông lợn của một giáp - thôn được chuẩn bị. Ảnh: TA

 

“Khi mang lợn ra thịt, ông cai đám (gia chủ) phải làm một lễ cúng thổ thần thổ địa và các thần tinh xin phép được làm lễ vật cúng Thành Hoàng. Sau khi cúng xong, ông cai đám ra chuồng lợn vỗ nhẹ vào ông lợn nói một câu: “Ông ỉ ra đình nhé”. Thế là không cần trói, khiêng, ông lợn được từ từ chuyển đi làm vật tế lễ một cách rất nhẹ nhàng. Về tâm linh đây là điều rất đặc biệt. Bởi nếu bình thường để di chuyển một con lợn khoảng 2 - 3 tạ thịt (tương đương với 4 - 5 tạ hơi) thì với cả chục người cũng không hề đơn giản”, một cai đám lễ hội năm 2017 chia sẻ.

Điều đặc biệt nữa là khi rước ông lợn cùng lễ vật đồ sộ vào đình làng, nhất là với những lễ được vào cúng tế trong hậu cung, chưa bao giờ gặp vấn đề gì như rơi, đổ đối với lễ vật cúng tế.

Thêm nữa, không phải tế lễ ban ngày như nhiều lễ hội khác mà lễ rước ông lợn ở La Phù diễn ra vào buổi tối, vậy nên người đi đường phải đốt nến và đuốc để soi đường. Ngày nay trong đám rước người ta còn đốt cả pháo hoa. Người đi xem rước ông lợn rất đông và náo nhiệt. Trên kiệu, ngoài ông lợn, người ta còn cắm hương và nến. Đi theo sau kiệu là chiếc lọng bằng giấy hoặc bằng vải che cho ông lợn. Đi đầu đoàn rước là 2 lá cờ, một chiếc trống đại do hai người khiêng, một người đeo trống khẩu đi sau để đệm theo. Một hương án do 4 người khiêng. Họ đều là trai đinh chưa vợ mặc trang phục khăn, mũ, áo dài đen...

Khi đoàn rước của các giáp đã có mặt đông đủ trước cửa đình, hai giáp một, đi hàng đôi từ từ tiến vào cửa đình. Các kiệu ông lợn, mâm xôi, thùng rượu được rước thẳng vào đình trong nơi bài vị của Thần, mỗi bên để vừa đủ ba kiệu lớn của 3 giáp. Các kiệu ông lợn được rước vào trong tiếng chiêng, tiếng trống và âm thanh rộn rã của phường bát âm. Đình rộng là thế mà lúc này bỗng trở nên bé nhỏ trước sự đông đúc và sôi động của đêm hội.

Cuộc tế là nghi thức của tục hiến vật có từ rất lâu đời nay tại La Phù. Vật được hiến lên Thần là thịt lợn tươi sống. Nghi thức thờ nguyên cả con lợn chưa pha và chưa nấu chín là biểu hiện của sự thành kính mà dân làng muốn gửi gắm lên vị Thần Hoàng linh thiêng của mình. Sau phần tế là đến phần thi xem ông lợn của giáp nào béo, đẹp nhất và được làm khéo nhất.

Các cụ cao niên truyền miệng, phần thưởng của cuộc thi dành cho giáp nào có ông lợn đẹp nhất chỉ đơn giản là mấy quả cau, lá trầu, ngày nay thêm bao thuốc lá. Về mặt vật chất, phần thưởng nhỏ bé, song về mặt tinh thần, nó lại có giá trị to lớn, không gì có thể thay thế được.

“Sau cuộc thi, ông lợn của giáp nào mang về giáp đó phân chia cùng với các lễ vật khác để đồng dân cùng nhau thụ hưởng lộc Thánh. Người dân làng La Phù nhiều đời nay tin rằng, việc thụ hưởng lộc Thánh sẽ giúp cho mỗi gia đình năm mới được no đủ, sung túc. Đúng với ý nghĩa cao đẹp của lễ hội, cầu cho toàn gia trăm họ năm mới an khang, thịnh vượng, cầu cho quốc thái, dân an”, bà Nguyễn Thị Trang, cán bộ văn hóa UBND xã La Phù chia sẻ.

Tràng An