Chúng tôi đến Khu di tích lịch sử NKT giáp những ngày kỷ niệm 27/7, bày ra trước mắt là một số hạng mục như: Hệ thống đường đi nội bộ, nhà làm việc, bậc tam cấp của tượng đài NKT… đã xuống cấp hư hỏng nặng. Khuôn viên của di tích không có hàng rào, nên gia xúc chăn thả thường xuyên vào di tích phá hoại.

Điều tệ hại hơn là trên Gò đất – Dấu tích lịch sử duy nhất mà thực dân Pháp bắt các tù nhân chính trị bị giam tại Nhà ngục Kon Tum lao động khổ sai để đắp thành mố cầu bắc qua sông Đăk Bla trong mùa mưa từ tháng 5/1931-10/1931 (Vị trí của gò đất hiện nay thuộc khu vực bảo vệ 1 của di tích – Khu vực bất khả xâm phạm) lại được xây dựng một trụ điện “to chình ình”, nhìn rất phản cảm.

Được biết, trụ điện trên do Ban Quản lý các công trình điện thuộc Công ty điện lực 3 xây dựng vào năm 1993, công xuất 35KV. Năm 2009, do trận lũ lịch sử trụ điện bị nghiêng, Chi nhánh Điện lực Kon Tum đã thực hiện gia cố lại móng trụ cột điện tại vị trí  L150, đường dây 110KV theo tuyến Pleiku – Kon Tum. Trải qua gần 24 năm, Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum bị xâm hại, thế nhưng vẫn chưa thấy cơ quan chức năng xử lý?.

Tìm hiểu về tình trạng Di tích bị xâm hại PV có buổi làm việc với ông Hoàng Đình Chung, Trưởng Ban Quản lý các khu di tích tỉnh Kon Tum, ông Chung khẳng định: “Hiện nay, một số hạng mục đường đi nội bộ đã xuống cấp hư hỏng, nhà làm việc tại NKT cũng đã mối mọt, rong rêu. Bệ tượng đài có nhiều vị trí đã rạn nứt, đá bị vỡ. Do công trình làm đường chạy sát bên khu di tích, nên NKT có khoảng 270m chưa có hàng rào bảo vệ vì vậy người dân chăn nuôi bò, gia súc lân cận thả rong thường xông vào Di tích phá hoại. Lực lượng bảo vệ di tích phải vất vả trông coi, canh gác. Hiện nay, chúng tôi cũng đã tham mưu cho Sở VH-TT-DL Kon Tum xây dựng dự án trùng tu lại di tích, đồng thời trong quá trình trùng tu sẽ xin xây luôn hàng rào bảo vệ”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì dự án này hiện vẫn nằm trên giấy, chưa biết khi nào thực hiện, trong khi NKT vẫn đang bị xâm hại hàng ngày”.

“Còn việc trồng trụ điện trên gò đất đã có từ lâu lắm rồi, hồi đó tôi chưa về đây. Gò đất là do các tù chính trị tại NKT lao động khổ sai đắp để làm mố cầu bắc qua sông Đăk Bla. Vị trí lô đất hiện nay thuộc khu vực bảo vệ 1 của NKT, là vị trí bất khả xâm phạm. Việc trồng trụ điện đối chiếu theo Luật Di sản là xâm hại di tích.

Sự việc trên, Sở VH-TT-DL Kon Tum cũng đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh Kon Tum di dời trụ điện ra khỏi vị trí di tích, UBND tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp và đã có kế hoạch di dời, nhưng do kinh phí di dời trụ điện là rất lớn nên chưa thực hiện được. Nhiều du khách khi tới tham quan họ thấy trụ điện xây dựng trong khu di tích họ phẫn nộ, đó cũng là hình ảnh không tốt” - ông Chung trần tình.

Trước sự việc trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Kon Tum cần nhanh chóng thực hiện Dự án trùng tu NKT, đồng thời sớm di rời trụ điện xây dựng xâm lấn di tích, trả lại đúng nghĩa di tích lịch sử quốc gia, nơi cha ông ta bền gan tranh đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Dưới đây là một số hình ảnh:

Trụ điện “trồng” chình ình tại vị trí bảo vệ 1 của NKT. Ảnh: Xuân Hướng
Bệ tam cấp của tượng đài NKT bị nứt nẻ hư hỏng. Ảnh: Xuân Hướng

Hai ngôi mộ chôn chung của các liệt sỹ trong cuộc đấu tranh Lưu Huyết và Tuyệt thực trong khu NKT. Ảnh: Xuân Hướng

 
Đường nội bộ của NKT bị hư hỏng xuống cấp. Ảnh: Xuân Hướng

270 m giáp ranh NKT với đường giao thông không có rào bảo vệ. Ảnh: Xuân Hướng

Xuân Hướng