Nghệ nhân Trần Thị Chừ, ở thôn A Ro Chi Lanh, xã A Đớt (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng cụ vẫn tinh mắt, dẻo tay dệt ra những tấm Dèng cực kỳ tinh sảo, đẹp mắt, cụ cho biết: Nghề dệt Dèng, tiếng Tà Ôi gọi là Kahul. 

Nghề này đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác. Năm cụ Chừ mới 5 - 6 tuổi đã được bố mẹ khoác khung dệt vào người dạy căng chỉ, xếp cườm thành từng loại hoa văn. Năm 14 - 15 tuổi cụ đã biết trồng bông, kéo sợi, biết dệt, biết trang trí hoa văn thành thạo, bây giờ già rồi, những lúc rỗi rãi cụ Chừ lại căng khung dệt ra dạy cháu, chắt. 

Cụ Chừ nói rằng, cái nghề dệt Kahul này đã thấm vào máu, vào tim người Tà Ôi rồi, không thể nào mất được.

Nghệ nhân Hồ Thị Nhất (Ra Pát Thị Nhất) là lớp con cháu của thôn A Ro Chi Lanh, cái “nôi” của nghề dệt Dèng, tâm sự: Ngày xưa, sợi dệt Dèng là sợi bông do con người tự trồng, tự chế tác sợi bông thành các màu sắc vàng, đen, xanh, hạt cườm làm bằng chì tách ra sau đó xếp thành hoa văn rồi dệt thành tấm. Dệt thủ công như ngày xưa rất cầu kỳ, người nào chăm chỉ, cả năm mới dệt được một tấm vải loại 6m, vì thế tấm Dèng rất có giá trị. 

Nay, người Tà Ôi không trồng bông dệt vải nữa, sợi dệt là sợi len, hạt cườm bằng đá nhựa mua ở chợ. Cơ bản, màu sắc, phong cách đặc trưng về bản sắc trang phục của người Tà Ôi không thay đổi, nhưng chất liệu vải thì có thay đổi.

Nói về nghề dệt Dèng của người Tà Ôi ở A Lưới, nghệ nhân Ra Pát Thị Nhất rất tự hào, nói: Nhà nào có bao nhiêu con gái là có bấy nhiêu khung dệt, đồ dệt, con gái Tà Ôi 12 - 13 tuổi đều biết dệt, khung dệt đơn giản đi đâu cũng mang theo được. 

Dệt Dèng khó nhất, cầu kỳ nhất là cung đoạn đưa hạt cườm trực tiếp vào tấm vải để tạo nên hoa văn, làm sản phẩm đó xuất hiện cả hoa văn bằng cườm hòa quyện cùng hoa văn bằng sợi, đây là nét độc đáo nhất của sản phẩm Dèng của người Tà Ôi. Nếu so sánh thì hoa văn tấm Dèng khác với hoa văn của dệt thổ cẩm, vì hoa văn của dệt vải thổ cẩm được tạo bằng chỉ màu. Còn hoa văn của tấm Dèng là sự hài hòa cả hoa văn bằng sợi lẫn hoa văn bằng hạt cườm. Cung đoạn chèn hạt cườm đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao mới làm được.

Sản phẩm hoàn thiện với nét hoa văn tinh sảo, độc đáo

Để chứng minh điều đó, nghệ nhân Ra Pát Thị Nhất căng khung dệt, đôi tay như múa trên tấm Dèng. Các hình hoa văn bắt đầu hiện lên óng ánh. Chị Nhất cho biết: Hoa văn trên tấm Dèng có hơn 70 loại khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là hoa văn biểu hiện hình thoi, hình tam giác, hình đường thẳng, tinh sảo hơn là hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, ngôi sao trên bầu trời...

Hỏi về bản sắc, sự tồn tại của trang phục người Tà Ôi hiện nay, nghệ nhân Ra Pát Thị Nhất khẳng định: Trang phục truyền thống của dân tộc Tà Ôi ở A Lưới, nhất là trang phục của phụ nữ luôn tồn tại, phổ biến hàng ngày trong sinh hoạt, lao động sản xuất, đặc biệt là vào các dịp tết cổ truyền, ngày lễ, ngày hội, ngày vui của gia đình, dòng họ, mọi người đều mặc trang phục dân tộc. Con cái đi học, chị em đi chợ, đi sinh hoạt đoàn thể như đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, Cựu chiến binh. Ngay như các vị là lãnh đạo xã, thôn đi làm việc ở công sở đều mặc trang phục dân tộc. Người Tà Ôi rất tự hào về trang phục của dân tộc mình, và nó sẽ không bao giờ bị mai một.

Minh chứng thực tế nhất là trong gia đình khi có con gái đi lấy chồng thì bố mẹ đều lựa chọn bộ trang phục mới, đẹp nhất để con gái đem về nhà chồng, đấy là của hồi môn, nhưng không đơn thuần là vật chất mà còn mang hàm ý lớn lao, sâu sắc hơn, đó là ý thức về cội nguồn dân tộc. Trong lễ cưới, cô dâu chú rể đều ăn mặc trang phục dân tộc, đây không phải là quy ước, hương ước của thôn, mà đây là ý thức, niềm tự hào về bản sắc trang phục của người Tà Ôi.

Là Trưởng Làng Tà Ôi ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trách nhiệm của nghệ nhân Hồ Thị Nhất không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của nghề dệt Dèng mà còn mong muốn làm cho bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi thật sự tỏa sáng trong lòng du khách xa gần. 

Nghệ nhân Hồ Thị Nhất cũng băn khoăn, nuối tiếc bởi một số dân tộc đã để mai một, thậm chí không giữ được toàn vẹn bản sắc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

                                                               Đức Long