+ Hẳn là dư âm của Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2 vẫn còn. Là thành viên Ban Giám khảo, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào về chất lượng các bài viết tham dự và đạt giải lần này?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Tiếp nối Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất, giải lần này đã thành công trên nhiều phương diện.

Giải đã được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp, các tổ chức xã hội và công chúng. Đó là thành công rất lớn. Giải đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, đưa những tác phẩm phản ánh các vụ việc tham nhũng, lãng phí cũng như công tác giải quyết, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, thể hiện được sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng, Nhà nước, đó là chống tham nhũng triệt để, không có trường hợp ngoại lệ, vùng cấm.

Tiếp đó, Giải được sự quan tâm đầu tư của chính các nhà báo và cơ quan báo chí. Hơn 100 cơ quan báo chí có tác phẩm, tác giả tham dự giải lần này. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, viết về tham nhũng rất khó. Song, tham dự giải có nhiều tác phẩm xuất sắc, nhiều đề tài hoàn toàn là phát hiện riêng của nhà báo.

Như tác phẩm “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” (Giải A) do nhóm phóng viên của Báo Lao động phát hiện, tổ chức thâm nhập, sau gần 3 tháng có được loạt phóng sự được Ban Tổ chức Giải đánh giá cao. Các bài viết đã làm sáng tỏ một hoạt động tham nhũng tinh vi, tôi gọi đó là “tham nhũng niềm tin”, trục lợi từ tín ngưỡng của người dân.

Đặc biệt đáng chú ý là, so với Giải lần thứ nhất, mảng bài chống lãng phí đã được các nhà báo quan tâm nhiều hơn, tỷ lệ bài được nâng lên. Trong đó có những tác phẩm tốt. Như loạt bài “Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” (Giải B) đăng trên Báo điện tử Lao động Bình Dương. Chống lãng phí một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, hàng trăm sáng kiến của công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp lớn đã thực hành tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng...

Giải lần này cũng ghi nhận nhiều loạt bài viết nhiều kỳ, cho thấy sự đầu tư công sức lao động của nhà báo rất lớn, cho thấy họ có nhiều tư liệu, có sự đeo bám vấn đề và để giải quyết tận gốc vấn đề.

Cuối cùng, tôi muốn nói về sự phong phú về mặt thể loại báo chí, từ bài chân dung phản ánh những tấm gương cho đến tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự điều tra... Sự đan xen của các thể loại làm cho chất lượng báo chí về mặt chuyên môn được nâng cao.

+ Còn có điều gì đáng tiếc ở Giải lần này không, thưa ông?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Có vài điều đáng tiếc. Đó là, một số cơ quan báo chí mà chúng tôi thực sự mong muốn họ vào cuộc với đề tài phòng, chống tham nhũng, lãng phí lại vắng mặt trong Giải. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần sự vào cuộc quyết liệt của các báo, tạp chí lĩnh vực kinh tế và bảo vệ pháp luật; bởi tham nhũng, lãng phí trước hết là tham nhũng kinh tế, lãng phí kinh tế. Thế nên, sự vắng mặt của họ là điều đáng tiếc.

Thứ 2, một số bài đặt vấn đề hay, nhưng giải quyết lại chưa triệt để; hoặc vấn đề được nêu ra, nhưng chưa được giải quyết, phóng viên và Ban Biên tập chưa thực sự đầu tư thời gian, công sức cho bài viết...

Thứ 3, nhiều bài báo chưa đáp ứng tiêu chí thể loại. Nhất là nhóm bài phỏng vấn còn yếu, chưa hay. Một số tác phẩm phát thanh truyền hình thể hiện hình ảnh đơn giản, bị trùng lặp, hình ảnh minh họa nhiều, thiếu tính thuyết phục. Báo điện tử hiện nay có những dạng thức mới như Long-form, Mega story, nhưng chưa nhiều báo làm được, vẫn viết theo kiểu cũ, nhiều chữ, không thể hiện được tính đa phương tiện.

Điều đáng tiếc thứ 4, mảng bài về phòng, chống lãng phí tuy đã tăng hơn so với giải thứ nhất, nhưng vẫn còn ít, và cũng chưa thật nhiều bài hay.

+ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần 2 diễn ra trong bối cảnh Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 vừa có hiệu lực thi hành. Theo ông, báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Báo chí có vai trò rất lớn trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những chủ trương, quyết tâm chính trị của Đảng, của Tổng Bí thư trong chống tham nhũng rất rõ ràng, nhờ báo chí mà toàn dân được biết một cách nhanh nhất. Nhân dân không chỉ theo dõi chăm chú, có trách nhiệm mà còn giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách đó.

Báo chí có đóng góp rất lớn trong việc giáo dục pháp luật cho người dân. Mỗi báo có một hình thức khác nhau hướng dẫn người dân như: Nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, phê phán các hiện tượng vi phạm pháp luật, hướng dẫn để người dân tìm hiểu những quy định của pháp luật.

Ví dụ, phim tài liệu “Ông Lực cao tốc” (Giải A, Đài Truyền hình Việt Nam) giáo dục bằng cách nêu gương, đưa hình ảnh một người dân bình thường nhưng hiểu pháp luật, kiên trì theo đuổi, phát hiện, đấu tranh với những sai phạm, hành vi tham nhũng.

Hay “Loạt bài về hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí” (Giải B, Báo Thanh tra) bao gồm 5 bài viết chuyên sâu thực sự có ý nghĩa trong việc xây dựng pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt trong thời điểm năm 2018, Quốc hội khoá XIV đang họp để lấy ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Và, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20/11/2018 tại Kỳ họp thứ 6.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (thứ 5 từ phải sang) và đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các tác giả đạt giải B. Trong ảnh, đại diện nhóm tác giả Báo Thanh tra đứng thứ 3 từ phải sang. Ảnh: PV

 

Các báo cũng tổ chức những buổi tọa đàm, diễn đàn, talk show mời các luật sư, nhà làm luật đến trao đổi, phổ biến pháp luật...

Theo tôi, những cơ quan báo chí ngành bảo vệ pháp luật nên tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là trong bối cảnh ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa được tốt.

Tuy nhiên, tham dự giải lần này, mảng bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng có nhưng chưa nhiều, chủ yếu là từ các báo, tạp chí chuyên ngành, tạp chí mang tính lý luận. Giải tới, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều loạt bài về mảng này hơn nữa.

+ Phải chăng lý do chưa có nhiều bài dự thi ở mảng này là bởi nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn khô cứng, thiếu hấp dẫn? Ông có thể chia sẻ về những cách viết để có các tác phẩm báo chí hấp dẫn hơn, giúp người dân dễ tiếp cận luật hơn?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Như tôi đã nói, có nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vấn đề là, tùy từng báo, từng đối tượng công chúng mà lựa chọn hình thức phù hợp.

Ví dụ, trên phát thanh truyền hình mà đọc luật thì người dân không nhớ được. Cách tốt nhất là làm bằng trực quan, đưa một hình ảnh, hoặc tình huống vi phạm và mời chuyên gia phân tích.

Trên báo in thì có thể trích nguyên văn bản, nên mở chuyên mục tuyên truyền phổ biến phù hợp, tăng tính nguyên bản, văn bản gốc để người ta có thể tra cứu, làm tài liệu được.

Các cơ quan báo chí cần có bộ phận chuyên môn biết cách để chuyển hóa các nội dung văn bản pháp luật khô cứng thành các hình thức mềm mại như: Đối thoại, mẩu chuyện... mà thông qua đó chuyển tải được thông điệp đến người xem, người nghe. Hiện nay chúng ta làm chưa được nhiều.

+ Trong bài phát biểu tại Lễ trao Giải hôm 15/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng vào báo chí trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đây vừa là sự khích lệ, động viên to lớn, nhưng cũng là trọng trách đối với người cầm bút. Theo ông, các nhà báo trên trận tuyến phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần chú trọng điều gì trong công tác nghiệp vụ để góp phần vào thành công của cuộc đấu tranh cam go này?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Bài phát biểu của Thủ tướng đã nêu rất rõ, vừa là kỳ vọng của nhân dân, công chúng, vừa là giao nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước cho báo chí. Để làm được điều này, về mặt nghiệp vụ, có rất nhiều việc phải làm. Có thể tổng kết thành mấy điểm quan trọng sau đây:

Thứ nhất, nhà báo viết về phòng, chống tham nhũng phải nắm được luật pháp, cụ thể ở đây là Luật Phòng, chống tham nhũng và những pháp lệnh, quy định khác của pháp luật liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí. Nếu không nắm được, nhà báo không phát hiện được vấn đề; hoặc phát hiện được vấn đề nhưng không biết cách khai thác tài liệu, xem sai ở chỗ nào, tham nhũng, lãng phí ở chỗ nào, bởi tham nhũng ngày càng tinh vi. Nắm vững luật pháp còn để tự mình phản biện, bảo vệ mình.

Thứ hai, nhà báo viết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần có nghiệp vụ điều tra, khai thác thu thập thông tin. Khác với viết về biểu dương, viết về chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực rất khó để lấy tài liệu. Nếu không có nghiệp vụ điều tra tốt, không nhập vai tốt để tìm kiếm các nguồn thông tin khác nhau thì không thể làm được.

Tiếp đó là nghiệp vụ xử lý, phân tích thông tin. Cần đối chiếu luật pháp, các quy định khác nhau để hiểu được một vấn đề. Bởi có những nội dung, hành vi cần được nhìn qua rất nhiều quy định của pháp luật mới kết luận được.

Thứ ba, cần giải quyết triệt để vấn đề trong thể hiện tác phẩm. Nói người ta sai phạm mà không triệt để thì mình có thể bị sơ hở. Thường những bài dài kỳ, nhiều kỳ, theo đuổi vụ việc đến tận cùng là những tác phẩm được xử lý rất tốt về mặt thông tin cũng như thể hiện.

Bên cạnh đó, còn phải biết nghe ngóng các nguồn tin trong lúc xử lý thông tin. Sau khi viết rồi cần xem phản hồi bài viết như thế nào. Và, như tôi được biết, có một xu hướng mới, các nhà báo có các cách để tránh những va chạm xã hội, kể cả va chạm về mặt công quyền, tránh việc khi bài báo đăng lên có thể bị can thiệp, tránh để lộ bài, lộ ý tưởng.

Thứ tư, nhà báo cần tích cực học tập, cả về kiến thức pháp luật lẫn tri thức văn hóa khác, để tiếp cận các đối tượng mà không bị từ chối, để hiểu và nhận diện các hành vi, đồng thời tự mình có thể bào chữa, phản biện cho chính mình...

Cuối cùng, bản thân nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực phải là người có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không tiêu cực, trục lợi.

Tôi được biết có nhà báo đại diện ở một địa phương viết về một doanh nghiệp rồi dùng điện thoại chụp lại bài viết, gửi cho tổng giám đốc, nói rằng chúng tôi đang ở chỗ này, chỗ này, anh có ý kiến gì không, bài viết sẽ được gửi ra tòa soạn ở Hà Nội ngày mai đăng... Đó là hành vi tống tiền tinh vi, không chấp nhận được.

+ Và như đề nghị của Thủ tướng, Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” sẽ tiếp tục là một hình thức khích lệ, động viên, cổ vũ, tôn vinh các nhà báo. Ông có đề xuất gì để Giải lần thứ 3 sẽ thành công hơn nữa?

- Nhà báo Trần Bá Dung: Tôi cho rằng, muốn Giải thành công trước hết cần sự quan tâm của chính các nhà báo. Không phải đề xuất, mà tôi mong muốn chính các nhà báo tự mình phát hiện đề tài, có ý thức tham gia Giải. Tham gia không chỉ để lấy giải mà để làm sao chất lượng báo chí tốt hơn.

Mong muốn thứ hai, về vai trò của của lãnh đạo cơ quan báo chí. Tổng Biên tập, Ban Biên tập, cần khích lệ, gợi ý phóng viên, bọc lót cho phóng viên làm việc, đặc biệt đối với những vụ việc lớn, phức tạp, khó khăn trong thu thập thông tin, đụng chạm các nhân vật ỷ thế chức quyền, nhân vật cộm cán đòi hỏi nhiều người phối hợp, giúp đỡ, cơ quan tạo điều kiện.

Thứ ba, đối với các cơ quan chủ quản báo chí, cần khích lệ cơ quan báo chí của mình; dám chấp nhận những phản biện, giám sát của cơ quan báo chí - cấp dưới của mình, chứ không phải báo của ngành không được nói về tiêu cực của ngành. Không có văn bản cấm, nhưng đây vẫn còn đang là một “luật bất thành văn”, ngoại trừ những vụ việc đã được tòa án xử lý, ra bản án, chứ hầu như rất ít việc báo ngành chủ động phát hiện ra các vụ việc tiêu cực của ngành.

Mong muốn nữa là các cơ quan chỉ đạo báo chí cần khích lệ nhà báo. Đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật cung cấp thông tin, công khai, minh bạch, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ với báo chí, coi báo chí là trợ thủ đắc lực.

Cuối cùng là mong đợi sự theo dõi, giám sát của chính nhân dân. Không chỉ khích lệ báo chí, mà còn phát hiện ra những nhà báo không tốt, những bài báo nói không đúng, những hiện tượng vụ lợi, tâm không sáng, lòng không trong, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân. Một phóng viên đi làm như thế, có thể tòa soạn không biết mà chỉ có nhân dân mới phát hiện ra.

- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra!

Ngọc Bích (Thực hiện)