Hội thảo diễn ra tại Huế ngày 25/10.

Cũng tại đây, tính toàn vẹn của quần thể di tích Huế (đã được công nhận Di sản văn hóa thế giới) tiếp tục được cảnh báo đang bị xâm hại nặng nề.

Hai cách làm trái ngược

Đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản), GS Nakagawa Takeshi - chuyên gia cao cấp về kiến trúc gỗ của UNESCO - đã trình bày phương pháp “trùng tu kiểu Nhật Bản” khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sự trân quý và nâng niu di sản từng tí một của người Nhật.

Bắt đầu công việc trùng tu, người Nhật dựng một khu nhà bao che bảo vệ toàn bộ di tích - công đoạn được ví von là đưa “con bệnh” di sản “nhập viện”.

Như khi trùng tu phủ công chúa Diên Phước ở Kim Long và điện Long Đức ở Thái Miếu (Huế), phía Nhật đánh giá toàn diện công trình kiến trúc cổ, từ hệ khung chịu lực, công trình có yếu tố nguyên gốc hay không, có thấm dột hay không, nền móng có bị lún hay không... Các đánh giá ấy đều được lý giải nguyên nhân cụ thể, kỹ lưỡng.

Sau khi đánh dấu toàn bộ cấu kiện, các “bác sĩ tiến hành mổ xẻ” bằng cách hạ giải công trình, đúng theo trình tự: cấu kiện nào lắp sau thì tháo trước, tháo đến đâu thì bảo quản đến đó. Từng cấu kiện một được khám nghiệm kỹ, cấu kiện nào không còn có thể cứu vãn nổi mới thay. Vật liệu, cấu kiện nguyên gốc được bảo tồn tối đa.

Quan trọng hơn cả là người ta tìm cách lý giải để vận dụng triệt để kỹ thuật truyền thống sử dụng cho công trình, và xem đó như là phần hồn của di sản.

Ngoài những giải pháp gia cường, gia cố, người Nhật sử dụng một loại gỗ nhân tạo được sáng tạo và ứng dụng thành công trong công tác trùng tu kiến trúc gỗ hàng chục năm qua. Những công trình trùng tu theo phương pháp nói trên được đánh giá sẽ đảm bảo cho công trình không dưới 50 năm.

Trong khi đó, VN hiện có chừng 85% trong số hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là kiến trúc gỗ, và rất nhiều di tích trong số đó đã và đang tu bổ phục hồi. Một chuyên gia nhận xét: “Công tác bảo tồn, trùng tu di tích tại VN hiện nay thể hiện sự tùy tiện và thiếu kiến thức”.

Theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, các kiến trúc di tích VN đều mang trong mình sự tích hợp, kế thừa của nhiều thời, nhiều giai đoạn, nhiều phong cách. Đó cũng là lịch sử, là đặc điểm tạo nên giá trị đặc biệt.

Tuy nhiên, GS Kính cảnh báo xu hướng hiện nay là “trùng tu triệt để”: thay vì giữ lại tối đa yếu tố gốc thì lại thay thế bằng cấu kiện, vật liệu và công nghệ mới... “Nhiều dự án hiện nay thay đến 70-80% vật liệu; sau những cuộc đại trùng tu di tích kiến trúc gỗ trở thành rất khỏe mạnh, rất trẻ trung... Điều đó đối với một vài người thì mừng, còn đối với di sản thì đấy là mất mát!” - GS Kính nhận định.

“Giá trị nổi bật toàn cầu” bị lung lay

GS.TS William Logan - chủ tịch Ban di sản và đô thị của UNESCO tại Đại học Deakin, tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về nhiều vấn đề đang tồn tại của di tích Huế. Khi công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993, khu di tích Huế được UNESCO đánh giá là “giá trị nổi bật toàn cầu”, được xác định gồm cả hai tiêu chí: “thể hiện một bằng chứng nổi bật về quyền lực của đế chế phong kiến đã qua ở VN vào đỉnh cao của nó đầu thế kỷ 19” và là “một ví dụ nổi bật về kinh đô phong kiến phương Đông”.

Thế nhưng, theo ông William Logan, tiêu chí “thể hiện bằng chứng nổi bật...” của khu di tích Huế đã bị xóa bỏ trong tuyên bố của ủy ban Di sản thế giới (ICOMOS) thuộc UNESCO tại phiên họp ở Doha vào tháng 6-2014.

Theo ông William Logan, khu di sản Huế mới chỉ có vùng lõi mà chưa có vùng đệm (xung quanh di sản), nên không bảo vệ được các di tích trước những diễn biến phát triển không mong muốn, mà theo nhận định của đoàn công tác hỗn hợp UNESCO - ICOMOS, là đã gây tổn hại lớn đối với các yếu tố phong thủy, vốn là một phần trong giá trị nổi bật của di sản này.

Ông William Logan chỉ rõ đó là việc mở mới tuyến đường (quốc lộ 1 tránh Huế) cắt ngang ngọn núi “tả thanh long” vốn là yếu tố phong thủy của lăng Khải Định, cùng với tiếng ồn xe cộ và ô nhiễm không khí làm mất đi tính toàn vẹn của di tích này.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với lăng Minh Mạng, tiếng ồn không dứt của các xe tải hạng nặng đã ảnh hưởng lớn đến không gian tĩnh lặng của di tích này. Các công trình có chiều cao vượt quá giới hạn cho phép trong kinh thành Huế cũng là mối đe dọa khu di sản hoàng thành.

Những sự xâm hại khác dọc dòng sông Hương đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của cảnh quan văn hóa này.

Ông William Logan cho biết nếu Huế không thiết lập được những cơ chế giám sát và điều chỉnh trong kế hoạch quản lý bảo tồn tổng thể thì sẽ làm giảm giá trị toàn cầu nổi bật.

Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho Huế: “Nếu các báo cáo tình trạng bảo tồn sau này vẫn tiếp tục nêu vấn đề này, có thể ICOMOS sẽ coi đây là sự không tuân thủ và khuyến nghị đưa vào danh sách các di sản bị đe dọa, thậm chí loại ra khỏi danh sách di sản thế giới”.

Kế hoạch quản lý bảo tồn khu di sản: 8 năm vẫn đang dự thảo

Ông William Logan nhắc lại vào những năm 2005-2006, ủy ban Di sản thế giới đã đề nghị Huế lập bản kế hoạch quản lý bảo tồn khu di sản (một cách toàn vẹn, cả di tích lẫn cảnh quan xung quanh - PV) và xem đây chính là cơ hội để xử lý những vấn đề đang tồn tại của di tích Huế, nhưng sau tám năm kế hoạch “vẫn đang dự thảo”.

PGS.TS Đặng Văn Bài - phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, thành viên ủy ban Di sản thế giới - nói có cảm giác tỉnh Thừa Thiên - Huế e ngại những yêu cầu khắt khe của các công ước quốc tế về bảo vệ cảnh quan vùng đệm di tích sẽ cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh, do đó đã chậm trễ lập kế hoạch quản lý di sản, chần chừ việc lập hồ sơ sông Hương và cảnh quan vùng bờ để UNESCO công nhận di sản thế giới lần hai.

Ông Bài khuyên tỉnh này nên “suy nghĩ lại”, thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO để bảo toàn tính toàn vẹn của di sản Huế.

Theo TTO