Quần thể Di tích Đồng Phang (Định Hoà), trung tâm là Đền thờ Thánh Mẫu Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, theo lối kiến trúc phương Đông, mang đậm dấu ấn văn hoá thời Lê là một trong những địa danh được tôn kính, ngưỡng mộ, chỉ đứng sau Lam Kinh một bậc trên đất xứ Thanh. Vùng đất này trước kia ai đi qua đều phải xuống ngựa (bất kể quan hay dân).

 Lễ dâng hương được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Ảnh: NK

Ra đời cách đây gần 600 năm, khu Đền Phủ đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. 

Năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi bình đinh giặc Minh, tức vị Đế nghiệp. Sau 10 năm, bên đại phong công thần, trong đó có cha con Ngô Kinh, Ngô Từ có công cất giữ quân lương, ví như Tiêu Hà thời Hán Cao Tổ, phong Ngô Kinh Thái Quốc Hưng - Quốc Công, Ngô Từ Thái phó - Trương Khánh Công và ban cho Quốc tính (họ vua).

 Nghi thức Lễ dâng hương. Ảnh: NK

Thời Lê Thái Tông  lên ngôi, thu nạp Ngô Thị Ngọc Xuân (con gái Ngô Từ) làm Vương phi, sau đó lại thu nạp em gái Ngọc Xuân tức Ngô Thị Ngọc Dao vào cung làm Tiệp dư, tại cung Khánh Phương. Bà sinh ra Lê Tư Thành, sau này lên ngôi vua là Lê Thánh Tông thuần hoàng đế, sau đổi niên hiệu là Hồng Đức.

Năm thứ 9 Quang Thuận, tức năm Mậu Tý (1468), vua Lê Thánh Tông (con trai Ngô Thị Ngọc Dao) cho xây Thuận Mậu Đường (tức là Thừa Hoa Điện), tại Động Bàng Hương (tức là Đồng Phang, Định Hòa) để phụng dưỡng Mẫu Hậu mỗi khi về thăm quê ngoại.

 Lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Định Hòa dâng hương. Ảnh: NK

Đồng Phang là đất ngoại Tổ của các thời vua Lê (kể từ đời vua Lê Thái Tông - Văn Hoàng Đế - 1434). Tỏ lòng tri ân ngoại Tổ, đến đời Lê Thánh Tông - Tthuần Hoàng Đế (1460), ra chiếu cho xây cất Thánh Thất, Từ Đường để tôn thờ ngoại Tổ tại đất Đồng phang (Phúc Quang Từ Đường), phụng thi Tiên tổ họ Ngô, được xây dựng từ thời Lê Thái Tông. Trong đó, Ngô Từ  (bố vợ vua) được thờ chính điện, thường niên ngày 8/3 Âm lịch, họ Ngô khắp mọi miền về làm Giỗ Tổ (chính là ngày Húy nhật Ngô Từ).

 Đông đảo người dân và du khách thập phương về dâng hương. Ảnh: NK

Đến năm Quý Tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473) tháng 2, từ Thăng Long, vua ngự về Tây Kinh (Lam Sơn), bái yết Lăng miếu Tổ tiên; sau đó về đất Đồng Phang thăm quê ngoại. Trong chuyến viếng thăm này, Lê Thánh Tông đã cho xây lại Thuần Mậu Đường và đổi tên thành Thừa Hoa Điện (gọi là cung Đệ Nhất).

Theo Việt sử thông giám cương mục, tháng 2, năm Bính Thìn (1496), Hoàng Thái Hậu sau khi viếng Lăng trở về quê ngoại nghỉ ngơi tại Thừa Hoa Điện, không may ngã bệnh, đã băng hà tại Thừa Hoa Điện, tháng 2 nhuận, ngày 26, giờ hợi, thọ 76 tuổi. Thi hài được đưa về Vĩnh Lang an táng.

Từ đó, Thừa Hoa Điện đổi thành Đền Thờ Thánh mẫu, hàng năm vào ngày 26/3 Âm lịch là ngày huý nhật, 4 giáp 6 làng Đồng Phang hương khói thờ phụng.

 Nghi thức rước Kiệu. Ảnh: NK

Thái Hậu là con gái Dụ Vương Ngô Từ, đứng hàng 17 trong 19 người con của Dụ Vương. Sinh ra trong một gia đình vương hầu khanh tướng, thừa hưởng một nền giáo dục gia giáo, theo khuôn vàng thước ngọc của Đạo Khổng Tử, nên lớn lên trở thành một cô gái nết na hiền dịu, khuôn mẫu của người con gái Việt Nam: Công - Dung - Ngôn - Hạnh (tứ đức). Theo chị về kinh thành Thăng Long, Ngô Thị Ngọc Dao được đưa vào Điện Khánh Phương làm Tiệp dư và trở thành Hoàng Hậu.

Vì sự ghen tỵ trong cung cấm, khi mang thai Lê Tư Thành (tức là vua Lê Thánh Tông), cung phi tìm cách hãm hại Ngọc Dao. Được Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ che chở giúp đỡ, nên bà đã được bình an sinh nở. Tuy là Thái Tử, nhưng từ khi sinh ra, Lê Tư Thành được mẹ dạy dỗ từ cách ứng xử đến chữ nghĩa, văn chương cùng võ nghệ. Tố chất thông minh của Lê Tư Thành ngày càng hiển lộ của một bậc đế vương.

Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc được diễn ra tại Hội Phủ Nhì 2019. Ảnh: NK 

Lê Thái Tông Nguyên Long băng hà (1439), Lê Nhân Tông lên thay, đến năm 1459, sau đó là Lê Ngụy Dân, hiệu Thiện Hưng, lên thay. Trong lúc triều đình rối loạn, những trung thần đã đưa Lê Tư Thành lên làm vua vào năm 1460 và sau này trở thành một vị Hoàng Đế anh minh tài giỏi, mà sử sách gọi là thời Hoàng Kim Hồng Đức.

Dù là Hoàng Hậu hay Mẫu Hậu, trước sau bà Ngô Thị Ngọc Dao vẫn là người mẹ hết lòng vì con, vì giang sơn xã tắc, đem cái tâm vì thập loại chúng sinh.

Sau khi qua đời, bà được thờ tại Thừa Hoa Điện (quê tổ) và từ đó Thừa Hoa Điện, trở thành Đền Thờ Thánh Mẫu với 2 chữ vàng " Mẫu Nghi" (Người Mẹ thiên hạ).  

Trong một gia đình có 19 người con, trong đó 11 trai (có 9 công tước, 2 hầu tước) và 8 người con gái (có 6 quốc mẫu, 2 quân phu nhân), bà Ngô Thị Ngọc Dao xứng đáng được tôn vinh và thờ phụng theo nghi thức trọng thị Cung Đình.

Sắc phong có ghi, ngày 26/3 Âm lịch là ngày Quốc giỗ, vào ngày này, bộ Lễ Triều Đình đứng ra làm chủ tế theo nghi thức cung đình tại đền Đồng Phang.

Theo lệ hàng năm, lễ hội Kỵ Đền, được các quan chức triều đình tiến hành nghi lễ từ ngày 23 đến 26/3. Trong những ngày này, con cháu họ Ngô, khách thập phương khắp mọi miền về Đồng Phang dâng hương dự hội. Đặc biệt là ngày 25/3 là ngày lễ trọng, có tế lễ, cung văn hầu bóng, cùng các lễ nghi do quan chủ tế Triều Đình đứng ra hành lễ. Ngày 26/3 là ngày đóng cửa đền vào giờ ngọ.

Lệ tế xuân, rước bóng ngày 16 tháng Giêng được tổ chức rất trang trọng. Khiêng kiệu là những thôn Nữ Tân, được chọn trong 4 giáp, khắp nơi đổ về, theo hầu rước bóng về Phủ và sắm đồ lễ thịnh soạn dâng lên Thánh Mẫu.

Từ cội nguồn lịch sử, thể theo nguyện vọng của nhân dân và các chứng tích lịch sử ghi lại. Tháng 12/2016 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia Điện Thừa Hoa và từ đường Phúc Quang.

Tháng 5/2018 được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đên địa phương, cùng con cháu họ Ngô trong cả nước, đặc biệt thể theo nguyện vọng của muôn dân trăm họ Công ty cổ phần Him Lam và Ngân hàng bưu điện Liên Việt đã thành tâm tài trợ 3 hạng mục chính của dự án Điện Thừa Hoa gồm cung đệ nhất, cung đệ nhị và cung đệ tam cùng các hạng mục phụ trợ khác.

Tỉnh Thanh Hóa và huyện Yên Định đã đầu tư xây dựng hạng mục Cổng Tam quan và Sân hành Lễ đã hoàn thiện trong năm 2018.

Công trình Điện Thừa Hoa đã hoàn thành tạo nên một diện mạo bề thế, khang trang, tĩnh mịch, và linh thiêng. Quần thể di tích lịch sử Điện Thừa Hoa, được đón và là điểm đến của các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, cùng quý khách thập phương và muôn dân trăm họ về dâng hương bái tổ.

Ban Tổ chức cho biết, Lễ dâng hương tưởng nhớ 523 năm ngày mất Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao được tổ chức trong dịp Hội Phủ Nhì, bên cạnh việc dâng hương còn có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc nên đã thu hút được đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.

Ngô Khuyên