Đây là Đại lễ được Liên hiệp quốc đánh giá có ý nghĩa và coi sự kiện trọng đại này là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, hòa bình, bất bạo động của đức Phật trên thế giới.

Chủ đề của Đại lễ VESAK năm nay do Việt Nam đề xuất, đã một lần nữa khẳng định, Phật giáo đồ trên toàn thế giới xây dựng một thế giới hòa bình, đời sống an lạc, hạnh phúc cho tất cả mọi người vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Việt Nam là một trong số các quốc gia đã sớm thành tựu được nhiều các mục tiêu thiên niên kỷ đề ra, hơn 30 năm trưởng thành, tiếp nối truyền thống đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc thực hiện thành tựu các mục tiêu ích đời, lợi đạo, phục vụ chúng sinh.

Điểm đáng chú ý, bên cạnh những hội thảo khoa học mang tính hàn lâm, học thuyết tư tưởng nhằm tìm ra hướng đi và giái pháp cho những khủng hoảng, mâu thuẫn xung đột để cùng nhau thực hiện các mục tiêu của Liên hiệp quốc. Tại Đại lễ lần này còn tổ chức các lễ hội tâm linh văn hóa nhằm chuyển hóa tâm thức của mỗi người với phương châm: “Tâm bình - Thế giới bình”, đem đến năng lượng của tâm và vũ trụ trong một thế giới hài hòa vì sự phát triển bền vững và hòa bình vĩnh cửu cho nhân loại.


Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ. Ảnh: Trà Vân

Đại lễ sẽ có chương trình trồng cây hưởng ứng bảo vệ môi trường và phát quà từ thiện cho quỹ khuyến học.

Tiếp đến, trong khuôn khổ nội dung của Đại lễ, Hội chợ Văn hóa Phật giáo sẽ được tổ chức, tái hiện lại những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với những di sản vật thể và phi vật thể, được UNESCO công nhận là Di sản Đại diện của nhân loại để giới thiệu với bạn bè thế giới.

Bên cạnh đó, chương trình khai mạc và bế mạc Đại lễ cùng với đêm giao lưu biểu diễn nghệ thuật quốc tế sẽ là những nội dung đặc biệt được tổ chức tại Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Đông đảo bà con Phật tử vân tập về chùa Bái Đính để chào mừng Đại lễ. Ảnh: Trà Vân

Đại lễ cũng là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đem đến cho bạn bè quốc tế hiểu biết về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Đồng thời, qua đây khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hiệp quốc. Khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới tự do tôn giáo và sự đề cao giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè, đại biểu quốc tế, góp phần phát triển tiềm năng du lịch tâm linh, là cơ hội vận động để UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Các diễn đàn tại hội thảo khoa học của đại lễ:

Hồi ứng Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội

Hồi ứng Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường

Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh

Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn

Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học
 


 Trà Vân