Đình được xây dựng vào năm 1889 bằng vật liệu đá, với những chạm khắc điêu luyện, độc đáo, tinh xảo bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Đình cổ là nơi tổ chức các lễ hội, văn hoá tâm linh như: Lễ tế Xuân, Lễ tế Thu, Lễ hội Cầu ngư…

 Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ngôi đình còn là cơ sở cách mạng. Hiện vẫn còn lưu giữ dấu tích hầm bí mật, là nơi tổ chức các cuộc họp của cán bộ, bộ đội và du kích; nhiều cán bộ lãnh đạo của Khu uỷ 5, Tỉnh uỷ Quảng Đà, Thị uỷ Hội An… từng trú ẩn, bám trụ, hoạt động tại ngôi đình này. Đình cổ An Bàng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử cách mạng…

Thế nhưng, hiện nay, đình chỉ là một khu phế tích hoang tàn, ngổn ngang những cột kèo, xà gồ, đá được chạm khắc hoa văn bị cỏ dại, cây cối che khuất.

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm lối vào được bên trong để quan sát. Nhìn cảnh quan ai cũng chạnh lòng, xót xa… Theo tìm hiểu của chúng tôi, được biết sau ngày giải phóng năm 1975, tuy đình cổ đổ nát vì bom đạn chiến tranh, song vật liệu vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Vì không được bảo quản, cất giữ cho nên người dân, kể cả chính quyền sở tại lúc bấy giờ, đã đến cho tháo gỡ vật liệu như gỗ, cột, kèo, đá… đem ra làm cầu cống, trạm xá, trường học, khiến ngôi đình càng thêm điêu tàn.

Đứng trước nguy cơ “xoá sạch” đình cổ, năm 2009, nhân dân An Bàng đã có đơn kiến nghị đề nghị trùng tu, xây dựng lại đình cổ. Chính quyền phường Cẩm An đã có tờ trình gửi chính quyền TP Hội An xem xét có hướng giải quyết, nhưng vẫn không có hồi âm.

Đáng chú ý, từ năm 1996 - 1997, Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) và Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích danh thắng Hội An, đã tiến hành tìm hiểu và khảo sát đình đá An Bàng… Sau đó, một dự án trùng tu, tôn tạo đình cổ An Bàng đã được thiết lập từ tháng 9/2000, song đến nay vẫn nằm trên giấy. Nếu ngôi đình cổ này được tu bổ, xây dựng lại sẽ là một địa điểm kết nối trong tuyến tham quan Khu Du lịch biển An Bàng - Phố cổ Hội An.

Anh Trần Đắt, người sống cạnh đình cổ tâm sự: "Mỗi lần nhìn cảnh quan đình cổ hoang phế lại cảm thấy xót xa. Gần 40 năm quê hương được giải phóng mà đất đình cổ bỏ hoang vu, không một dấu chân người lui tới…”.

Còn bà Tôn Nữ Thu Hồng, khách du lịch đến từ TP Vinh, tỉnh Nghệ An thốt lên: “Tan nát hết đình cổ bởi chiến tranh, thời gian… Khó khăn lắm đoàn chúng tôi mới vào được đình, nhưng không có gì ngoài bãi đất hoang vu, đầy lau lách, cỏ dại trông mà chạnh lòng…”.

Mong rằng, chính quyền TP Hội An và tỉnh Quảng Nam cũng như ngành chủ quản sớm kiểm tra, khảo sát, thiết kế huy động các nguồn kinh phí, đưa đình cổ An Bàng vào xây dựng, phục vụ các lễ hội, phục vụ nhân dân và du khách.

Thiên Thanh