Khi những ký ức về người đồng chí gặp nhau trên chiến hào ùa về, ông Hạnh nhắc đi nhắc lại câu nói: "Không thể quên anh ấy, Liệt sỹ, nhà báo Tô Chức, người đồng chí, người bạn tôi vinh dự được kết thân tại chiến trường. Niềm tự hào tuôn chảy".

Những năm cuối của thập niên 60, thế kỷ 20, chiến tranh diễn ra ác liệt, các thế hệ thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ. Trong số đó có nhiều sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở miền Bắc cũng hăng hái tòng quân vào Nam. Liệt sỹ Tô Chức tốt nghiệp khóa thứ 4, khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1962, anh về làm phóng viên chương trình phát thanh “Từ nhà máy đến công trường” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh hăng hái đi nhiều công trường, làng quê, viết nhiều phóng sự về cuộc sống và chiến đấu của quân, dân miền Bắc, điển hình, ấn tượng như thiên tùy bút “Người Hà Nội”.

Năm 1968, chiến trường Thừa Thiên - Huế diễn ra vô cùng ác liệt, ngay từ ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này, Nhà báo Tô Chức được đưa về cơ sở, sát cánh cùng sinh hoạt, chiến đấu với bà con ở mặt trận Quảng Điền. Tại đây, những thiên phóng sự giàu cảm xúc, sống động của anh được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, đã lan tỏa truyền đến hậu phương những chiến công, lòng quyết tâm giải phóng, thống nhất đất nước của quân và dân ta ở tiền tuyến, hừng hực, sôi chảy trong tâm thức, khát vọng của đồng bào cả nước.

“Sau mỗi lần đi công tác về, anh Chức thường kể cho cánh lính thông tin chúng tôi nghe những câu chuyện về nhiệm vụ của các phóng viên, thú vị nhất là chuyện đi xuống cơ sở, bám theo đơn vị hành quân để có mặt trong các trận đánh ác liệt, hay tại những điểm nóng bỏng nhất của các cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào ta ở đồng bằng, để lấy tin, gặp nhân chứng, chứng kiến sự kiện…”, ông Hạnh bồi hồi nhớ lại. 

Ông kể: “Vì đặc thù công việc, tôi không được cầm súng ra mặt trận, nhưng qua radio, tình hình ở chiến trường như thế nào, chúng tôi đều biết. Tôi hiểu rõ, trong sự khốc liệt của tiền tuyến, lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết, để có được tác phẩm báo chí, những nhà báo như anh Tô Chức là những người lính thực thụ tại mặt trận. Mỗi dòng tin không chỉ đổi bằng mồ hôi mà có khi bằng cả sự hy sinh thể xác.

Nhà báo Tô Chức đã anh dũng hy sinh ngày 16/8/1968 ở tuổi 32, trong một trận đánh ác liệt, không cân sức giữa Mỹ - Ngụy với quân dân xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), khi chưa kịp lập gia đình.

Là nhà báo, gia tài là cây bút và những bài báo để lại cho đời, lời nhắn gửi cuối cùng của anh trong thư gửi bố: “Con trai bố nhất định sẽ làm cho gia đình ta thêm tự hào và hãnh diện và không bao giờ phải hổ thẹn vì con”.

Ông Nguyễn Hồng Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko, trong sự kiện: Ban Hợp tác Quốc tế Bưu điện TP Hồ Chí Minh tiếp đoàn Xô Viết nhân dịp kỷ niệm 30 Phi công Phạm Tuân cùng Gorbatko bay vào vũ trụ. Ảnh chụp lại

 

Ông Hạnh cho biết, trong chiến tranh chống Mỹ, ông làm Phòng Thông tin, thực hiện công tác thu tin, truyền tin của Đảng, của cấp trên chỉ đạo xuống các cơ sở, một công việc giống với nghề báo, đó là cầm bút xông ra chiến trường.

"Phải công nhận rằng, tinh thần quả cảm của các nhà báo, những người lính truyền tin trong chiến trường lúc đó giống như một binh chủng tinh nhuệ, có mặt khắp các trận địa. Nhiều bài báo, nhiều thông tin có sức lan tỏa kịp thời, mạnh mẽ, đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi rất nhiều... Hồi đó, tư tưởng “Độc lập - Tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là điểm tựa cho chúng tôi, cũng như nhà báo vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, và hồi ấy không nghĩ đến chuyện… sợ cái chết", ông Hạnh xúc động.

Hơn 40 năm, ngày đất nước được thống nhất hai miền Nam - Bắc, ông Hạnh bây giờ đã ngoài 70, hơn 50 tuổi Đảng, nhưng ký ức chiến trường hào hùng, sự hiên ngang của của người đồng chí làm công tác báo chí vẫn in đậm trong ông... “Khi ra chiến trường, các chiến sỹ, cũng như người làm báo, đều đứng giữa sự sống và cái chết... Điều quan trọng nhất để các thế hệ của chúng tôi vững vàng, chính là niềm tin chắc chắn vào chiến thắng của chính nghĩa”, ông Hạnh tự hào chia sẻ.

Ông nhớ lại: “Cuối năm 1967, khi đang làm việc tại Đài Thông tin Hà Nội, tôi được Ban Thống nhất Trung ương Đảng điều động vào chi viện chiến trường miền Nam. Được Đảng giao nhiệm vụ, tôi tức tốc chuẩn bị hành trang lên đường. Tại mặt trận, tôi đã gặp anh Tô Chức. Thời đó, hàng vạn nam, nữ thanh niên mong muốn được tham gia vào cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, được trực tiếp thực hiện khát khao đóng góp sức trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, là vinh dự, tự hào của mỗi công dân”.

Ông Hạnh chia sẻ, ông luôn học tập tính trung thực, khách quan trong phong cách làm báo của Bác Hồ. Bác cho rằng: "Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt phải có chừng mực, chớ phóng đại...".

"Người làm báo phải đồng cảm được sự khó khăn, mất mát, đớn đau của xã hội, hiểu được cái thiệt thòi của những người nghèo, thua thiệt của những người ít học… phải xem nỗi đau của họ là nỗi đau của chính bản thân, dám đối mặt, dám hy sinh...", ông Hạnh nói.

Nghiêm Lan