Nghệ thuật dân tộc phổ biến

Trong số các loại hình nghệ thuật dân tộc đang ngày một mất dần và lu mờ thì có những hiện tượng cá biệt vẫn đã và  đang gần gũi với cuộc sống. Trong số đó có kể như là ca Huế, Quan họ, Chầu văn… Đây là những cá biệt, trải qua lịch sử hàng trăm năm, mặc dù cũng đã có những lúc rơi vào thoái trào nhưng những loại hình này đã chứng tỏ sức sống bền bỉ vượt qua được thăng trầm giữ được sức hấp dẫn riêng của mình.
“Để nghệ thuật dân tộc có thể thực sự phát triển chứ không chỉ dừng ở mức phổ biến thì cần sự kết hợp giữa việc kinh doanh phục vụ du lịch với những kế hoạch, chiến lược dài hạn của ngành Văn hóa…”

Ca Huế hình thành 2 dòng là ca Huế dân gian và ca Huế thính phòng. Ca Huế dân gian, là một loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của xứ Huế. Ca Huế gồm ca và đàn, ở nhiều góc độ tương đối giống và gần gũi với ca trù. Hệ thống bài bản của ca Huế tương đối phong phú với khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. 

Bởi là “chất riêng” của người Huế nên ca Huế là một trong số rất ít các loại hình nghệ thuật được giữ gìn, lưu truyền tốt qua nhiều thế hệ. Ấy vậy nhưng ca Huế cũng có giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, ca Huế dân gian đã nhanh chóng tìm được “đất diễn” mới của mình đó là biểu diễn phục vụ du lịch. Với những nét đặc trưng và màu sắc âm nhạc độc đáo, ca Huế nhanh chóng trở thành thương hiệu của Du lịch Huế và cũng là món quà riêng của xứ Huế với khách du lịch trong và ngoài nước.

Với Quan họ, không phải khi được Unesco công nhận năm 2009, mới trở nên phổ biến. Trên thực tế, quan họ đã và vẫn luôn là một nghệ thuật truyền thống được ưa chuộng và rất phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong nhiều thế kỷ qua, kể cả vào những thời điểm thoái trào, quan họ vẫn có chỗ đứng hơn những loại hình nghệ thuật dân tộc khác. 

Cũng là một loại hình nghệ thuật khá phổ biến suốt nhiều năm qua nhưng Chầu văn khác với ca Huế hay Quan họ, phổ biến qua hoạt động phục  vụ du lịch. Chầu văn xuất hiện chủ yếu ở các lễ hội tín ngưỡng, ở những đền, chùa… Chầu văn là sinh hoạt văn hóa gắn với đời sống tâm linh của người Việt cổ. Bên cạnh Phật Giáo, người Việt còn theo tín ngưỡng tứ phủ ( thờ các vị thần linh, thần núi, thần biển, thần sông…). Trong tín ngưỡng tứ phủ các vị thần có Mẫu Thượng thiên, Mẫu địa, Mẫu thượng ngàn, ngoài ra còn có các ông hoàng, các cô, các cậu. Nghệ thuật dân gian truyền thống này mang màu sắc tín ngưỡng đậm nét nên có nhiều nghi lễ mà hình thức chủ đạo là hầu đồng hay còn gọi là lên đồng. 

Mặc dù đã từng có thời gian cực thịnh vào cuối thế kỷ XIX nhưng đến năm 1954, Chầu văn dần mai một vì màu sắc tôn giáo, nghi lễ hầu đồng của Chầu văn bị xếp vào hàng mê tín dị đoan, nên thời gian khá dài, Chầu văn bị cấm biểu diễn, sinh hoạt dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, bởi đây là một nét văn hóa tâm linh nên dù bị cấm, Chầu văn vẫn hoạt động âm thầm, lặng lẽ và được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. 

Những năm gần đây, nghi lễ Chầu văn nói riêng, nghệ thuật Chầu văn nói chung đã được trả lại sự vốn có của nó. Hiện Nghi lễ Chầu văn là 1 trong số 12 di sản được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh sách lập hồ sơ để xem xét danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Phổ biến không có nghĩa là phát triển?

Lâu nay, cụm từ “bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống” đã trở thành một câu nói thường được nhắc đến trong các cuộc hội đàm, thảo luận. Thực tế, đây cũng là một việc nên làm bởi các loại hình nghệ thuật truyền thống không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, mà còn là những giá trị lịch sử lâu đời của ông cha, là tài sản vô giá của dân tộc. 

Ca Huế từ lâu trở thành một đặc sản du lịch của Huế, nhưng chính bởi việc trở thành “đặc sản” đã dẫn đến việc ca Huế bị biến tướng, hiểu sai, mất dần tính nghệ thuật vốn có. Thay vì quy định chặt chẽ về cách hát, cách diễn như bản chất, thì ca Huế đang ngày một bị suồng sã hóa để phục vụ nhu cầu của khách thập phương…. 

Bởi nhu cầu khách du lịch ngày càng lớn, các ca sĩ, nhạc công thực thụ không đủ để “chạy sô”, ca Huế trên sông Hương giờ có nhiều nhạc công, ca nương không chuyên biểu diễn. Không chuyên, không được đào tạo bài bản tất nhiên sẽ dẫn đến việc tính nghệ thuật không thể được đảm bảo chất lượng. Chưa kể đến, cũng bởi tính kinh tế, các chủ thuyền thiếu chuyên môn nhiều người chỉ nghĩ đến lợi nhuận đã tự ý rút ngắn thời lượng biểu diễn nhằm tăng thêm sô diễn khiến cho ca Huế ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng chung đến hình ảnh đẹp về ca Huế.

Bởi lựa chọn giải pháp phục vụ khách du lịch để phát triển nên Quan họ cũng rơi vào cảnh giống như ca Huế, ngày càng xuống cấp mất dần tính nghệ thuật. Ai cũng biết cái hay, nét đặc sắc của Quan họ không chỉ là lời ca, tiếng hát, mà còn là không gian diễn xướng độc đáo. Nhưng đã từ lâu, công chúng yêu nghệ thuật thường xuyên thấy sự có mặt của “Quan họ” tại các quán ăn, nhà hàng không mấy phù hợp. Việc biểu diễn phục vụ khách du lịch hay phục vụ tại các bữa tiệc không phải xấu, cái xấu là ở sự cẩu thả của người tổ chức, sự dễ dãi khi biểu diễn của số đông các liền anh, liền chị khi chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà quên đi việc giữ gìn bản sắc cho nghệ thuật…

Là nghi lễ mang tính tâm linh, Chầu văn lại đã và đang bị một số đối tượng lợi dụng để phục vụ mục đích “bán thánh, bán thần”. Những lễ hầu đồng có giá vài chục, vài trăm triệu đồng được lén lút tổ chức lâu nay ở nhiều phủ, đệ tư gia đã khiến cho hình ảnh của nghi lễ Chầu văn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những việc làm này không những sẽ làm xấu đi hình ảnh của một nghi thức văn hóa tâm linh mà còn có thể ảnh hưởng đến trật tự xã hội, lâu dài nếu không giải quyết dứt điểm sẽ khiến người dân hoài nghi về một loại hình nghệ thuật của dân tộc.

Cần nhiều hơn cách phổ biến

Dù chưa thực sự tốt, nhưng không thể phủ nhận các loại hình như ca Huế, Quan họ, Chầu văn có thể giữ gìn được đến nay cũng một phần nhờ vào việc phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào đây thì nghệ thuật dân tộc mới chỉ đạt đến được mức phổ biến, mà chưa thực sự phát triển.

Bên cạnh phục vụ du lịch, cần phát triển những chương trình đòi hỏi chuyên môn cao. Cần có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân, với những ai yêu thích mà muốn gắn bó với nghề. Những chế độ đãi ngộ tốt của Nhà nước, của chính quyền địa phương sẽ là động lực để những nghệ sĩ muốn gắn bó với nghề có cơ hội sống và làm việc với nghề nghiệp mình lựa chọn. 

Để một loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó có thể phát triển thì việc có những nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp là một trong những điều kiện quan trọng nhất. Chính các nghệ sĩ này sẽ là người giữ gìn, kế thừa giá trị tinh hoa và truyền dạy cho thế hệ sau nghệ thuật truyền thống.

Cũng không nên phủ nhận hay đánh giá thấp việc phục vụ khách du lịch bởi chính từ các hoạt động này mới có nguồn thu kinh tế để tái đầu tư cho các bước phát triển đường dài… Cái nên làm là các nhà quản lý cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc biểu diễn phục vụ du lịch, cũng như cần chấn chỉnh hoạt động của các đoàn nghệ thuật tư nhân. 

Có thể thấy rằng, để các loại hình nghệ thuật truyền thống thực sự phát triển, thì không thể chỉ trông chờ vào phục vụ du lịch hay các hình thức hoạt động kinh doanh. Bởi nếu như vậy thì nghệ thuật truyền thống mới chỉ đạt được đến mức phổ biến. Để nghệ thuật truyền thống phát triển theo đúng nghĩa thì cần kết hợp song song việc phát triển phục vụ du lịch, kinh doanh với những kế hoạch, chiến lược đường dài của các cấp quản lý và nhận thức của chính những người nghệ sĩ làm nghề.

Theo Cinet