TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ cho rằng, thống kê trong khoảng thời gian từ năm 1998 - 2008 có 178 di tích Đông Sơn được phát hiện và nghiên cứu trên 22 địa phương (trong đó có 10 di tích cư trú, 31 di tích mộ táng, 6 di tích cư trú mộ táng, 2 di chỉ xưởng, 56 trống đồng, 69 địa điểm phát hiện lẻ tẻ … ).

"10 năm sau hội thảo tổng kết 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, chúng ta đã có những bước tiến khá khả quan về tình hình phát hiện, khảo sát, nghiên cứu. Một thành tựu cần được nhấn mạnh trong 10 năm trở lại đây là hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn. Ở đó chúng ta nghiên cứu quá trình mở rộng địa bàn của văn hóa đông sơn, mở rộng cương vực văn hóa Đông Sơn từ chân núi đến rìa đồng bằng cao, đến vùng đồng bằng thấp trũng ở đồng bằng châu thổ sông Hồng", TS Liêm nói.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần được tiếp tục nghiên cứu và bổ sung tư liệu trong tương lai như: Vấn đề tiền Đông Sơn ở loại hình sông Cả vẫn còn là một khoảng trống, cần tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu về sự phát triển của văn hóa Đông Sơn ở vùng này. 

Vấn đề sự lan tỏa của trống đồng Đông Sơn ở miền Trung đặc biệt là Tây Nguyên. Hàng loạt trống đồng được phát hiện với số lượng lớn ở đây, thậm chí nhiều hơn cả vùng địa bàn gốc của trống đồng Đông Sơn? Các di tích mộ thuyền được phát hiện rất nhiều ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tuy nhiên mối liên hệ giữa khu vực cư trú và khu mộ táng ở đây không thực sự rõ ràng.

Vậy chủ nhân của các khu mộ thuyền ngụ cư ở đâu? Những đóng góp của văn hóa Đông Sơn (về đời sống kinh tế vật chất, văn hóa tinh thần, phân hóa xã hội, nhà nước Văn Lang, Âu Lạc với văn minh Đại Việt- Văn hóa Việt Nam sau này cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn.

"Đến lúc (tuy đã quá muộn) gióng tiếng chuông cảnh báo về hiện trạng các di tích thời đại kim khí Việt Nam đang bị xâm hại nặng nề trong đó có văn hóa Đông Sơn và bản thân di tích Đông Sơn', TS Liêm cho biết.

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng cho hay thực trạng bảo quản hiện vật Đông Sơn hiện nay hết sức nan giải, đặc biệt là bảo quản đồ đồng. Qua mấy ngàn năm dưới lòng đất, nếu không được bảo quản đúng cách, tính nguyên vẹn từ họa tiết hoa văn trên mỗi hiện vật hay tính cấu kết của các thành phần hóa lý sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Theo TS Bùi Văn Liêm, dù đã kêu cách nay 10 năm về việc cần có một bảo tàng riêng biệt về văn hóa Đông Sơn nhưng vẫn chưa thể thực hiện được nhưng cho tới thời điểm này, ông vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm này. Việc lập một bảo tàng để trưng bày riêng về văn hóa Đông Sơn là vô cùng cần thiết.

"Chúng ta đã có Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh thì tại sao chưa có Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn. 90 năm phát hiện và nghiên cứu rồi. Giá trị đã được khẳng định rồi. Một sưu tập trống đồng Đông Sơn cũng đủ để xây dựng bảo tàng rồi huống hồ gì là cả một nền văn hóa với bao lớp giá trị, hiện vật như thế", ông Liêm bức xúc.

Với Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn, sẽ trưng bày những phát hiện đầu tiên ở bên bờ lở của sông Mã, những sưu tập của các nhà khảo cổ học của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Trong bảo tàng, ngay cả quy trình đúc đồng từ nguyên liệu, khuôn đúc tới các thành phẩm và phế phẩm cũng nên được trưng bày. "Tôi cho rằng, địa điểm tốt nhất để dựng bảo tàng là ở Thanh Hóa, nơi tìm ra những dấu vết đầu tiên của nền văn hóa này", ông Liêm cho hay

 "Nên chăng các nhà chuyên môn cần có những việc làm thiết thực nhất đó là đề xuất với các cấp, các ngành có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương xúc tiến ngay việc lập đề án xây dựng Bảo tàng Văn hóa Đông Sơn - mà 10 năm trước trong bài viết của mình trong Hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn tôi đề xuất", ông Liêm quả quyết.


 Trà Vân