Cái “choáng” thứ nhất là ngày 17/5/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn ra văn bản số 278/GP - NTBD cấp phép cho 324 bài hát cách mạng vốn đã được phổ biến nhiều năm nay, trong đó có "Tiến quân ca" (Quốc ca) năm1946 đã được Quốc hội khóa đầu tiên chọn làm Quốc ca của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thế hóa ra chả nhẽ suốt 71 năm qua, Quốc ca chưa được phép, nói nôm na là… “hát chui”!?. Nửa tháng sau, văn bản cấp phép này được chính Bộ VHTTDL thu hồi.

Nhưng ngày 30/5/2017 mới đây, Bộ VHTTDL tiếp tục làm dân “choáng” khi lại thu hồi tiếp một văn bản nữa. Chuyện là tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Đà Nẵng là khách được mời tham dự, đã phát biểu những suy nghĩ cá nhân về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Ông cảnh báo: Quy hoạch hiện tại về bán đảo Sơn Trà đã vi phạm hàng loạt điều luật như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật đa dạng sinh học, Luật tài nguyên môi trường…Phân tích sâu, ông Vinh cho rằng Sơn Trà là “lá phổi xanh” của TP Đà Nẵng, và nêu vấn đề: “Chúng ta chọn thế nào? Chọn khai thác Sơn Trà để xây khách sạn trên đó hay giữ gìn Sơn Trà để khách đến tham quan?” rồi trình bày quan điểm của mình: “Nếu Đà Nẵng giữ được Sơn Trà với vẻ hoang dã quý hiếm như vậy bên cạnh một TP hiện đại của Đà Nẵng thì đó là một điểm đến độc nhất vô nhị của Đà Nẵng và Việt Nam. Nó sẽ làm tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, tăng kinh tế-xã hội của Đà Nẵng nói chung chứ không phải một vài doanh nghiệp, một vài người có tiền của”. Điều làm dân “choáng” ở đây là khi ông Vinh trình bày tham luận của mình, chủ tọa buổi tọa đàm đã có những động thái ngăn lại, sau đó Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh Nhưng 2 ngày sau, cũng chính Bộ VHTTDL lại ra quyết định thu hồi văn bản này.

 Bán đảo Sơn trà

Bán đảo Sơn trà

Từ chuyện trên, dư luận có quyền suy nghĩ:

Điều đầu tiên, đã gọi là tọa đàm tức là lắng nghe các ý kiến phản biện đa chiều mang tính xây dựng, nhưng tại sao Bộ VHTTDL tổ chức buổi tọa đàm này chỉ chấp nhận những ý kiến phát biểu một chiều, điều đó có thể khiến cho Chính phủ qua thông tin báo cáo lên nhầm tưởng rằng giới khoa học và quản lý trăm phần trăm đều đồng thuận phương án mà Bộ VHTTDL ủng hộ. Từ thông tin sai dễ dẫn đến việc ra quyết định sai và nếu vậy Bộ VHTTDL phải chịu trách nhiệm về việc này.

Điều thứ hai, Bộ VHTTDL là cơ quan quản lý nhà nước, tại sao một ý kiến phản biện thiện chí, có tính chất xây dựng của ông Huỳnh Tấn Vinh để tham mưu cho công tác quản lý mà Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch Huỳnh Vĩnh Ái phải quyết liệt và vội vã “xuống tay” khi ký văn bản gửi Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Vinh. Phải chăng đó là biểu hiện Bộ VHTTDL đã thiếu khách quan, đứng hẳn về doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng lợi ích của doanh nghiệp chứ không xem xét toàn diện đến lợi ích của dân, của thành phố, của đất nước.

Điều thứ ba là tại sao chỉ trong vòng nửa tháng, Bộ VHTTDL phải thu hồi 2 văn bản, một là văn bản cấp phép cho 324 bài hát cách mạng vốn đã được phổ biến nhiều năm nay, trong đó có "Tiến quân ca" hai là văn bản do ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL ký ngày 2/6 yêu cầu Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng có biện pháp xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh về những phát ngôn thiếu chính xác tại buổi tọa đàm ngày 30/5. Nửa tháng trước, văn bản phải thu hồi là do lỗi của một cục trưởng ban hành, còn mấy ngày qua, văn bản phải thu hồi lại do cấp cao hơn cục trưởng, đó là một thứ trưởng ban hành. Phải chăng trình độ cán bộ quản lý và công tác cán bộ của Bộ VHTTDL đang có vấn đề???

Nhưng suy nghĩ trên của dư luận đang chờ Bộ VHTTDL lên tiếng giải thích.

Theo Nguyễn Đoàn/Dân Trí