Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chiều ngày 5/6, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho hay, trong Báo cáo số 126 ngày 3/6/2019, Bộ không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh.

“Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc thương mại hóa một số công trình tâm linh và tôi tạm gọi là chùa BOT. Ở đó có việc một số quan chức đóng cổ phần vào xây dựng vào chùa BOT để kiếm lời sau khi công trình đi vào hoạt động hay không?

Bộ Công an và Bộ VH-TT&DL đã có giải pháp gì để xử lý hoạt động lệch chuẩn vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam đã lợi dụng hoạt động tôn giáo tâm linh để vi phạm pháp luật không?”, ĐB đoàn An Giang đặt loạt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của ĐB Bộ, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện Việt Nam có 4 loại du lịch chính: Du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Ngoài ra, còn có du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm và rất nhiều loại hình du lịch khác.

Theo Bộ trưởng, du lịch tâm lịch được hiểu là nằm trong du lịch văn hóa.

“Một số khu du lịch hiện nay có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như đến, chùa. Khu du lịch này không gọi là khu du lịch tâm linh mà gọi là khu du lịch quốc gia. Trong khu du lịch quốc gia có sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch tâm linh như đền, chùa, nhiều loại hình khác”, ông Thiện giải thích.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Bộ trưởng chú ý câu hỏi của ĐB Nguyễn Mai Bộ để trả lời cho đúng.

"Không có khái niệm chùa BOT, chúng ta đừng lấy các công trình tín ngưỡng tôn giáo để nói như thế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Tiếp tục trả lời chất vấn, theo ông Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thương mại hóa, thu lợi bất chính, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng cho hay, ông chưa có thông tin nào liên quan đến việc đóng góp của các quan chức như ĐB nêu trong câu hỏi.

"Nếu ĐB có thông tin gì thì có thể cung cấp cho QH và lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật", ông Thiện nói.

Ngay sau đó, Chủ tịch QH lưu ý, ĐBQH khi chất vấn sẽ chịu trách nhiệm về câu hỏi của mình. Do đó những thông tin mà như Bộ trưởng nói là chưa có thông tin về việc quan chức đóng góp xây dựng chùa.

“Nếu ĐBQH có thông tin chính xác xin cung cấp để cho QH giám sát việc này và các cơ quan quản lý nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định", bà Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.

Vụ chùa Ba Vàng: Phạt 5 triệu là rất nhỏ

Nhắc đến việc tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu phản ánh của cử tri cho rằng, xử phạt 5 triệu đồng là quá nhẹ so với tính chất, mức độ vi phạm.

“Mức độ xử phạt vi phạm hành chính hiện nay với các hành vi này đã đủ tính răn đe chưa? Bộ có biện pháp gì để chống tái diễn tình trạng tại chùa Ba Vàng và các cơ sở tâm linh khác?”, ĐB Thuỷ chất vấn.

Về câu hỏi này, Bộ trưởng cho hay, sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức lối sống và văn hóa, cần phải lên án xử lý.

UBND TP Uông Bí cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà Phạm Thị Yến mức phạt 5 triệu.

Ông Thiện cho hay, theo quy định đây là mức phạt cao nhất. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mức phạt bằng tiền 5 triệu là rất nhỏ.

“Vấn đề tiền là một phần, rõ ràng chúng ta phải tăng nặng xử phạt về quản lý Nhà nước; đồng thời tôi nghĩ rằng, quan trọng hơn làm thế nào chúng ta lên án, phê phán những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức những việc làm đó. Kết hợp 2 việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn”, Bộ trưởng VH-TT&DL nêu ý kiến.

Trả lời chất vấn của ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) về vụ hơn 100 người Việt trốn tại Đài Loan, ông Thiện cho rằng, “khách Việt do công ty "chui", không hợp pháp đưa đi nước ngoài và bỏ trốn ở Đài Loan là vết nhơ của du lịch Việt Nam. Phải lên án xử lý”.

Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trước hết thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý cũng chưa tốt. Cho nên, khi cấp phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế cần quan tâm hơn.

“Rõ ràng từ vấn đề thực tiễn này đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch nói chung và lữ hành nói riêng”, ông Thiện nêu ý kiến và đề cập nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý liên quan đến cấp phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành, đơn vị du lịch…

Hương Giang