Sáng 4/3, lễ viếng cố nhạc sĩ Lương Minh diễn ra tại nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Sự ra đi của nghệ sĩ ở tuổi 49 khiến người thân và bạn bè là những người làm trong showbiz bàng hoàng, đau đớn.
 
Tang lễ được tổ chức trang nghiêm, với sự tham gia của nhiều sao Việt như: Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Linh...
 
Những hình ảnh đau buồn trong buổi lễ sáng nay nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ phía khán giả. Tuy nhiên đến trưa, bắt đầu xuất hiện một số trang tin đưa những hình ảnh ghi lại cảm xúc được cho là "kỳ lạ" của Hồ Ngọc Hà trong đám tang vị nhạc sĩ.
 
Dựa vào phần hình ảnh chụp được trong những bài viết này, họ đánh giá rằng nữ ca sĩ đã thể hiện thái độ khá phản cảm của mình đó là "cố nhịn cười" trong lúc những nghệ sĩ khác đang khóc thương.
 
Thậm chí, bài viết còn ghép ảnh cô với ca sĩ Thu Minh đang khóc nức nở để đưa ra sự so sánh tương phản. 
 
Ngay sau đó, phía độc giả là những người đón nhận thông tin với tâm thế một chiều đã có những phản ứng gay gắt đến nữ ca sĩ.
 
Bởi thời gian qua, Hồ Ngọc Hà là cái tên nhận được khá nhiều điều tiếng từ dư luận vì những lùm xùm trong đời tư, chuyện tình cảm với đại gia kim cương. Anti-fan của cô tạo làn sóng tẩy chay dữ dội ở nhiều diễn đàn hay các trang mạng xã hội.
 
Trước sự công kích gay gắt từ dư luận, nữ ca sĩ giữ thái độ im lặng, tập trung vào công việc.
 
Do hạn chế xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm nên mọi "nhất cử nhất động" của cô ở đời thường đều bị báo giới săm soi, và đám tang vị cố nhạc sĩ hôm nay cũng không ngoại lệ.
 
Chưa dừng lại ở đó, những người phản đối Hà Hồ còn bắt đầu để lại những bình luận soi mói đến trang phục của cô khi đi đến viếng đám tang người đã khuất, với đại ý: "Cô này ăn vận trông như đi biểu diễn thời trang".
 
 
"Ghét nhau bất chấp cả đạo đức?"
 
Có thể trong chuyện đời tư, cô ca sĩ này sai, theo khía cạnh của một bộ phận dư luận đang nhận định. Đồng ý, nhưng trong một buổi tang lễ vô cùng thiêng liêng, việc cố tình theo sát một người để bắt kịp khoảnh khắc có thể là vô-tình-bị-đặt-không-đúng-chỗ của họ để rồi quy chụp, phán xét, chẳng lẽ lại là điều đúng?
 
Những chuyện trước đó, Hà Hồ sai như thế nào là tùy vào phán xét của mỗi người, nhưng không vì thế mà cô đi đâu, làm gì cũng sai. Nữ ca sĩ có đủ tư duy để giữ mình tránh xa những hành động vô lễ, nhất là đối với người đã khuất.
 
Không cần là một "Nữ hoàng giải trí" giỏi ứng xử, mà một người bình thường có đạo đức nào cũng đủ tư duy để nhận thức điều nên làm và không nên làm trong một tang lễ.
 
Vậy ý thức của người săm soi cô ca sĩ này hàng giờ liền chỉ để chụp ảnh và những người chỉ chăm chăm đưa thông tin một chiều, đánh giá cô có thái độ thiếu văn minh, đang đặt ở đâu?
 

Tang lễ, vốn dĩ đã là nơi chất chứa quá nhiều buồn đau, nước mắt và sự tổn thương. Sao còn đem hình ảnh một người không liên quan để tạo sự chú ý, thay vì chỉ nên phản ánh không khí trang nghiêm đến những người đơn thuần chỉ muốn quan tâm, chia sẻ?

Mà, cũng không có một chuẩn mực đạo đức nào quy định việc cười nói trong đám tang là không đúng, chỉ cần không phải đùa giỡn lố lăng. Vẫn có một số tang lễ, nhiều người vẫn muốn kìm nước mắt lại để những người thân không quá đau lòng. Họ vẫn thăm hỏi, chia sẻ bằng những kỷ niệm vui như cách để tưởng nhớ người đã ra đi. 

Trong trường hợp này, khoảnh khắc nữ ca sĩ (được cho là) nén cười có thể không thực sự như hình ảnh, thông tin được phản ánh. Những người đang để lại bình luận, đả kích gay gắt, không ai có mặt ở đó để biết nguyên nhân đằng sau của biểu cảm đó là gì.
 
Có thể là một điều kiện ngoại cảnh tác động, như những điều đơn thuần mọi người gặp thường ngày, khiến cô có biểu hiện đó.
 
Nếu Hà Hồ không muốn đến tham dự tang lễ này, cô đã không đi. Nhưng cô vẫn xuất hiện, dẫu ý thức mình đang là tâm điểm bị soi mói của ống kính. Điều này chứng tỏ ở sự thành tâm, ở tình nghĩa giữa cô với người anh trong nghề. Vậy không lý do gì cô đến, để rồi thể hiện thái độ bất kính như đang bị lên án.
 
Ghét nhau thế nào cũng được, nhưng hãy giữ lại đạo đức. Bởi ở một nơi đã quá nhiều tổn thương như đám tang thì không cần thêm một sự thương tổn nào nữa.
 
Không ít những bình luận lên tiếng bảo vệ Hồ Ngọc Hà trước việc cô bị đánh giá về trang phục tham gia lễ tang. Đầu tiên, có ý kiến cho rằng trước bài viết đưa tin về đám tang nhạc sĩ Lương Minh, việc nghệ sĩ trong nghề đến viếng là đã thể hiện sự quan tâm của họ.
 
"Nói thật, họ đến sớm, chờ được viếng rồi tiễn đưa người đã mất là có tâm rồi.
 
Có ghét người khác thế nào cũng đừng vô lý thế được không? Mọi người đều ăn vận lịch sự cả. Đừng vì quá soi mói hay ghét mà nhận xét một người ăn vận ra sao một cách tiểu tiết trong một tang lễ, đó là hành động vô cùng phản cảm", người này bình luận.
 
Các nhận xét sau đó cũng đánh giá trang phục của Hồ Ngọc Hà cũng chỉ là bộ đồ đen kín đáo "từ đầu đến chân", thậm chí là không đi giày cao, thì không thể nói cô là ăn vận phản cảm được.
 

Một số khán giả bênh vực Hà Hồ trước những lời nhận xét ác ý về trang phuc

 
Việc yêu ghét một người nào đó có thể là cảm xúc cá nhân tùy ý ở mỗi cá nhân, hoặc chỉ đơn thuần là hiệu ứng đám đông.
 
Đây không phải là điều quá xa lạ đối với hành động mà anti-fan thường dành cho nghệ sĩ mà họ không có cảm tình.
 
Tuy nhiên, sự soi mói, phán xét một cách bừa bãi, thiếu tư duy như sự việc của Hồ Ngọc Hà trong tang lễ nhạc sĩ Lương Minh lại là một khía cạnh khác, cần được nhận thức lại. Bởi điều này tạo nên một lối mòn suy nghĩ mà ở đó, sự thiếu ý thức đã đi gần đến ranh giới của độc ác.
 
Nếu ở vị trí của Hà Hồ, đáng sợ nhất không phải ở việc bị ghét, mà chính là bị ghét không đúng. Vì vậy, chẳng phải là một anti-fan nên đặt sự gièm pha đúng chỗ, thuyết phục thì người khác mới nể? Nếu đã khắt khe, đừng đặt không đúng chỗ.
 
Theo Nhật Duy/Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ