Chuyện đạo nhái thiết kế/ sao chép/ vay mượn ý tưởng (tùy theo cách gọi của từng người) vốn không xa lạ gì trong ngành công nghiệp thời trang. Ngay cả những hãng lớn như Dior, Prada, Balmain... cũng từng vướng nghi vấn đạo mẫu thiết kế của thương hiệu khác.

Tại Việt Nam, vấn đề này thậm chí còn xảy ra như chuyện cơm bữa. Thỉnh thoảng, cộng đồng mạng lại phát hiện ra trang phục sao này hoặc sao kia mặc giống y hệt mẫu thiết kế của thương hiệu quốc tế. Kế đến, người chịu trách nhiệm tạo ra bộ đồ đó sẽ lên tiếng giải thích rằng "Tôi không đạo, đó là xu hướng chung" hoặc "Công chúng nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra nhận xét".

Ngoại trừ những thương hiệu thời trang "mỳ ăn liền" công khai sản xuất theo mẫu mới nhất nhà mốt lớn, còn lại ranh giới giữa đạo nhái và trùng lặp ý tưởng rất mong manh. Ngay cả giới chuyên môn cũng khó đưa ra kết luận chính xác cho từng trường hợp cụ thể. 

Thương hiệu thời trang danh tiếng thế giới vướng nghi án đạo nhái

Có thể kể đến trường hợp của Dior và Prada - hai nhãn hiệu có sức ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp thời trang thế giới. Đầu năm 2013, khi Prada ra mắt bộ sưu tập xuân hè với cảm hứng Nhật Bản, họa tiết hoa anh đào bị nhận xét quá giống các thiết kế trước đây của nhà thiết kế quá cố người Pháp André Courrèges. Courrèges được ca ngợi là một trong những người có ảnh hưởng nhất đối với dòng thời trang cao cấp thập niên 1960. 

Tương tự, một mẫu chân váy xòe, chất liệu vải bóng với họa tiết hoa thuộc bộ sưu tập xuân hè 2013 của Dior cũng vướng nghi vấn bắt chước mẫu trang phục của cố nhà thiết kế người Mỹ -  Edith Head. 

Tuy nhiên, cả nhà thiết kế Miuccia Prada lẫn giám đốc sáng tạo Raf Simons đều không bình luận về vụ việc. (Hiện Raf Simons đã rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của Christian Dior).

Hồi tháng 9/2014, làng thời trang quốc tế lại xôn xao trước thông tin Balmain - hãng thời trang cao cấp nước Pháp - đạo thiết kế của Givenchy. Cụ thể, bộ pantsuit màu trắng với chi tiết cut-out mạnh tay ở hai bên sườn, trình diễn tại Paris Fashion Week mùa xuân hè 2015, giống đến 99% mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập xuân năm 1997 của hãng Givenchy, do Alexander McQueen thiết kế. 

Hầu hết giới mộ điệu đều nghiêng về nhà thiết kế huyền thoại Alexander McQueen khi cho rằng trang phục của ông sang trọng, tinh tế hơn, đồng thời chỉ trích hãng Balmain. Đứng trước sóng gió, giám đốc sáng tạo Olivier Rousteing chọn cách im lặng. 

Bi hài chuyện ăn cắp ý tưởng trong thời trang
Ba thiết kế của Givenchy, Balmain vàNasty Gal (từ trái qua phải). Ảnh:Fashionlaw

Hay mới đây nhất, bộ đôi nhà thiết kế Italy - Stefano Gabbana và Domenico Dolce bị Adriana Duque, nghệ sĩ người Colombia, tố ăn cắp ý tưởng. Nghệ sĩ 46 tuổi khẳng định, phụ kiện tai nghe đính ngọc trai, thuộc bộ sưu tập thu đông 2015 của Dolce & Gabbana, giống hệt hình ảnh ra mắt năm 2011 của cô. Bất chấp những chỉ trích, Dolce và Gabbana cũng từ chối bình luận về vụ việc. 

Câu chuyện vay mượn ý tưởng ở Việt Nam

Quay trở lại với thị trường thời trang Việt Nam, không ít nhà thiết kế từng vướng nghi vấn đạo nhái thương hiệu quốc tế như Đỗ Mạnh Cường, Lý Quí Khánh, Huy Trần, Hoàng Minh Hà, Lê Thanh Hòa... Thậm chí, vào năm 2014, Công Tín - nhà thiết kế riêng của ca sĩ Mỹ Tâm - phải nghỉ việc do không chịu được áp lực dư luận. Trước đó, anh này bị tố sao chép sản phẩm của Viktor & Rolf, thương hiệu thời trang nổi tiếng Hà Lan.

Bên cạnh đó, các nhà mốt Việt cũng đôi lần khẩu chiến xung quanh việc "đụng hàng" vì ai cũng cho là mình đúng!

Người viết đưa ra những dẫn chứng trên để công chúng thấy môi trường nào (dù đã phát triển hay đang trên đà phát triển) cũng tồn tại câu chuyện trùng lặp. Nhưng sự khác nhau nằm ở phản ứng, cách hành xử của những người trong cuộc. 

Bi hài chuyện ăn cắp ý tưởng trong thời trang
Thiết kế mới của Lý Quí Khánh vướng nghi vấn nhái trang phục của Rihanna.

Khi bị coi là "tội đồ", hầu hết nhà thiết kế Việt chọn cách giải thích "Tôi không sao chép, mà chỉ đi theo dòng chảy xu hướng chung". Ngược lại, khi coi mình là "nạn nhân", họ lại sẵn sàng lớn tiếng công kích người khác, từ đó dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười. 

Có thể kể ra đây trường hợp của Đỗ Mạnh Cường và Chung Thanh Phong. Hồi tháng 11/2014, hai nhà thiết tên tuổi của làng thời trang Việt gây ồn ào dư luận khi tố nhau đạo ý tưởng. Cụ thể, bộ sưu tập Cat in the City (Chung Thanh Phong) và The Twins (Đỗ Mạnh Cường) đụng nhau ở ý tưởng "Sinh đôi".

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi Đỗ Mạnh Cường lên trang cá nhân “đá xoáy” những người mà anh cho rằng đang bắt chước mình. Anh viết: “Tôi thấy sợ các em đồng nghiệp cạnh tranh rẻ tiền bằng cách thấy tôi làm cái gì là các em làm ngay cái đó".

Trong khi đó, Chung Thanh Phong khẳng định anh làm thời trang sinh đôi từ năm 2010, đồng thời nhấn mạnh: "Với tôi, sáng tạo là một trong những đặc quyền của người làm nghệ thuật và tôi còn quá trẻ để tự tước đi đặc quyền đó của mình. Tôi khẳng định mình có toàn quyền tự do sáng tạo và không cần phải bắt chước bất kỳ ai".

Hay gần đây là vụ việc của nhà thiết kế Huy Trần và người mẫu Ngọc Trinh. Không lâu sau khi bị tố đạo thiết kế hãng Monique Lhuillier (trang phục ca sĩ Minh Hằng mặc), Huy Trần bóc mẽ Ngọc Trinh ăn cắp mẫu của anh để bán hàng trên trang cá nhân. Ngay sau đó, nữ người mẫu phản ứng bằng cách khẳng định cô copy mẫu của Victoria Beckham, kèm theo hình ảnh làm bằng chứng. 

Bi hài chuyện ăn cắp ý tưởng trong thời trang
Ngọc Trinh khẳng định copy mẫu của Victoria.

Sự việc này khiến người viết liên tưởng đến vụ lùm xùm giữa Balmain và hãng bán lẻ nước Mỹ Nasty Gal hồi tháng 5/2015. Tại lễ trao giải âm nhạc Billboard Music Awards, Taylor Swift diện bộ đồ cut-out màu trắng gợi cảm, thuộc bộ sưu tập xuân hè 2015 của Balmain. Nhưng không hiểu do nhầm lẫn hay cố ý, Nasty Gal đăng tải bức ảnh Taylor Swift lên trang cá nhân, đồng thời khẳng định nữ ca sĩ mặc bộ đồ có tên Frisco Inferno của họ. Sau khi bị cộng đồng mạng chỉ trích, hãng này lập tức gỡ hình ảnh xuống. 

Đó là chưa kể đến một số nhà thiết kế khá dễ dãi trong chuyện làm nghề khi sẵn sàng may đồ theo yêu cầu của khách hàng, dựa trên sản phẩm của thương hiệu nước ngoài. Thiết nghĩ để không bị gắn mác "thợ may", bản thân nhà thiết kế phải nghiêm khắc với chính mình. 

Đề cập đến chuyện những bộ sưu tập của mình bị các hãng thời trang "mỳ ăn liền" sao chép, giám đốc sáng tạo Olivier Rousteing chia sẻ trên trang Independent: "Coco Chanel từng nói 'Nếu bạn là phiên bản gốc, hãy chuẩn bị tâm lý để chấp nhận chuyện bạn sẽ bị sao chép'. Tôi rất thích thú khi nhìn vào cửa hàng của Zara, thấy họ pha trộn quần áo của tôi với Céline, Proenza. Tôi nghĩ họ giỏi đấy chứ".

Jack Deutsch, nhiếp ảnh gia người Mỹ, bày tỏ quan điểm: "Bản gốc thực sự rất hiếm và cần được trân trọng. Tất cả sáng tạo dù ít dù nhiều đều có lỗi". 

Công Trí, nhà thiết kế kỳ cựu của làng thời trang Việt, từng nói: "Với thời trang, chúng ta có một số mẫu trang phục căn bản, hoặc đã được sử dụng nhiều đến mức được xem là căn bản, chẳng hạn như áo sơ mi, quần tây, váy chữ A, váy xoè...

Khi một nhà thiết kế sử dụng những nguyên liệu căn bản đó để sáng tác, nhiệm vụ của họ là mang đến điều mới mẻ, thể hiện tính sáng tạo - có thể là sáng tạo về chất liệu, về cách xử lý, màu sắc... Trong đó, quan trọng nhất theo tôi là cách từng NTK đặt vấn đề, cách triển khai ý tưởng và gout thẩm mỹ của từng cá nhân. Ý tưởng lớn có thể gặp nhau, hoặc do xem quá nhiều tài liệu, hình ảnh hay quá yêu thích phong cách của một NTK nào đó, các thiết kế có thể mang dáng dấp tương tự nhau nếu chỉ nhìn bằng mắt thường.

Nhưng để kết luận chính xác một thiết kế có phải là một bản sao của thiết kế khác hay không, tôi nghĩ cần rất nhiều kiến thức chuyên môn và dẫn chứng xác đáng. Bởi mẫu thiết kế bị đem ra so sánh có phải là mẫu gốc đầu tiên hay không, tác quyền sáng tạo được bảo hộ như thế nào... cần được xem xét kỹ". 

Theo Minh Đức/Zing.vn