Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy) Phạm Trọng Khải cho biết Lễ hội Minh thề có nguồn gốc cách đây gần 500 năm. Lễ hội có ý nghĩa giáo dục nhân cách với những yếu tố tín ngưỡng, lấy của công làm việc công sẽ được thần linh ủng hộ. Nếu có lòng tham lấy của công làm việc tư thì các chư thần sẽ khước từ. Lễ hội mang bản sắc văn hóa của người Hải Phòng, do người dân địa phương sản sinh, tạo dựng, bảo tồn và duy trì. Những lời thề có ý nghĩa sâu sắc đó vẫn phát huy tác dụng trong cuộc sống hôm nay. 

Với giá trị đó, vào năm 2017, Lễ hội Minh thề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người dân địa phương đang tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị để những nét đẹp của Lễ hội Minh thề được lan tỏa rộng rãi hơn. 

Lễ hội Minh thề do Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung đề xướng. Vào thế kỷ 16, bà Vũ Thị Ngọc Toàn, vốn người làng Trà Phương, huyện Kiến Thụy, tài sắc vẹn toàn, đã có công mở mang, xây dựng làng xã, làm nhiều việc thiện giúp dân, giúp đời, xây dựng, tôn tạo nhiều chùa chiền, góp phần chấn hưng đạo pháp trong vùng. Bà chính là người đã tiếp thu lễ thề của các đời trước, xây dựng nên Lễ hội Minh thề.

Kiểm tra lời hứa trước khi vào buổi lễ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Lễ hội đã được nhân dân lưu truyền qua nhiều đời. Sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn, đến năm 1993 Cụm di tích đền, chùa Hòa Liễu ở xã Thuận Thiên được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, nhân dân địa phương đã phục dựng các lễ hội truyền thống. Đến năm 2002 Lễ hội Minh thề chính thức được khôi phục, tổ chức vào dịp lễ hội truyền thống đền, chùa Hòa Liễu trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm.

Năm nay, vào sáng 18/2 (tức 14 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), Ban tổ chức lễ hội dựng đài thề trước cửa đền thờ Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn với sự hiện diện của đông đảo người dân địa phương và du khách./.

Theo Minh Thu/TTXVN