Rất chân thành, ông Bùi Xuân Dũng, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, nói: Nếu không có 2 bài báo đăng trên Báo Thanh tra, chúng tôi khó mà "dập" được vụ bà Bùi Thị Lan, kích động, lôi kéo một số người dân thôn Đồng Rặc, Tiên Lữ viết, ký hàng chục đơn TC, kêu cứu vì Cty Ăng ti mon Hòa Bình, nổ mìn làm hư hỏng nhà dân, gây ô nhiễm môi trường, đập phá, cướp đất gia đình bà, gửi đơn lên các cơ quan Trung ương, Bộ Công an. Chưa dừng lại ở đó, bà Lan còn tổ chức đông người "kéo" lên Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Thực tế, bản chất vụ việc không đúng như nội dung đơn TC của bà Lan. Vì, Cty này đã đóng cửa mỏ, dừng sản xuất gần 1 năm. Chủ tịch UBND huyện, UBND xã đã tổ chức đối thoại với bà Lan và những công dân tham gia khiếu kiện, nhưng bà Lan vẫn tiếp tục khiếu kiện, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.

Phóng viên Báo Thanh tra đã về An Bình xác minh nội dung đơn TC do bà Lan đứng tên. Sau khi 2 bài báo: "Sự thật về đơn kêu cứu của bà Lan" và "Mạo danh chữ ký công dân đi khiếu kiện" đăng trên Báo Thanh tra, UBND xã giao cho cán bộ văn hóa xã đưa báo đến từng cụm dân cư trong xã, đặc biệt là những người bị bà Lan kích động, lôi kéo đi khiếu kiện. Bài báo như gáo nước lạnh dập tắt vụ việc. Sau đó, nhiều người đã đến gặp Chủ tịch UBND xã, Ban Công an xã An Bình, TC hành vi dụ dỗ, kích động, lôi kéo của bà Lan. Thực chất, bà Lan cũng chỉ là người bị đối tượng khác kích động, thuê quậy phá Cty Ăng ti mon Hòa Bình...

Ông Bùi Xuân Dũng cho biết: Không riêng UBND xã An Bình, mà Huyện ủy, UBND huyện Lạc Thủy cũng đánh giá cao tác dụng của Báo Thanh tra trong công tác giải quyết KN, TC trên địa bàn huyện.

Ông Đinh Đăng Lượng, xóm Đồng Sông, huyện Kỳ Sơn, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hòa Bình, cũng nhận xét: Nếu không có bài báo "Kết luận của Chủ tịch UBND huyện không thuyết phục, mất lòng dân" đăng trên Báo Thanh tra ra kịp thời thì người dân xóm Đồng Sông đã "mất" 85ha rừng cộng đồng vào "tay" doanh nghiệp. Vì, 85ha rừng cộng đồng là rừng phòng hộ, năm 1994, xóm giao cho 3 ông, gồm trưởng xóm, phó chủ nhiệm HTX, bí thư chi bộ đứng tên làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo Nghị định 02/CP của Chính phủ.

Năm 2010, ba ông cán bộ xóm (đứng tên trong GCNQSDĐ tự ý bán 85 ha rừng cho Cty TNHH Phú Đạt với số tiền trên 3 tỷ đồng. Cả xóm ký đơn kiến nghị gửi UBND huyện. Ngày 11/3/2011, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã ký Kết luận thanh tra số 14/TBKL-UBND bác đơn của dân xóm Đồng Sông, công nhận 85ha rừng là của 3 ông đứng tên trong GCNQSDĐ, nay là rừng của Cty TNHH Phú Đạt. Dân xóm Đồng Sông phản đối và tiếp tục làm đơn KN gửi Báo Thanh tra. Sau khi Báo phát hành, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc. Và, 85ha rừng cộng đồng đã trở về với dân xóm Đồng Sông. Khỏi phải nói đến niềm vui của người dân lớn như thế nào. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sức mạnh của báo chí.

Ông Đinh Đăng Lượng nói: Nếu Báo Thanh tra không lên tiếng kịp thời thì chắc chắn vụ việc này sẽ là điểm nóng KN, TC. Thậm chí là KN, TC đông người, vượt cấp.

Ở Mộc Châu, Sơn La, vụ việc đã qua gần một năm, nhưng đối với Cty Khoáng sản Tây Bắc thì vẫn như mới hôm qua. Đó là vụ Nhà máy Luyện kim mầu Sơn La xả thải ra sông Đà, gây ô nhiễm môi trường do một số người phản ánh trên thông tin đại chúng.

UBND tỉnh Sơn La họp. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Sơn La vào cuộc. Ban lãnh đạo Cty Khoáng sản Tây Bắc (đơn vị chủ quản Nhà máy Luyện kim mầu) rối bòng bong.

Cùng một số cơ quan báo, Báo Thanh tra đã vào cuộc xác minh và có loạt bài điều tra, khẳng định Nhà máy Luyện kim mầu Sơn La không gây ô nhiễm môi trường. Bài báo đã góp phần làm rõ sự thật nguồn tin. Đồng thời, "đánh dẹp" dư luận không đúng, gây ảnh hưởng xấu cho Nhà máy Luyện kim mầu Sơn La. Tổng Giám đốc Cty Khoáng sản Tây Bắc ghi nhận và đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí, trong đó có Báo Thanh tra trong định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Ông Mai Trí Tuệ, Giám đốc Nhà máy đã cùng PV đi bộ nửa ngày, vượt núi, băng rừng đến từng bản, vào từng nhà dân để nghe dân nói về nhà máy. Ông Tuệ cho rằng, thông tin như thế mới là nguồn tin đích thực có giá trị trên báo chí. Chặn đứng hành vi của đối tượng xấu kích động, dựng chuyện, xúi giục người dân KN, TC.

Ngoài ra, còn nhiều vụ việc mà Báo Thanh tra đã vào cuộc góp "tiếng nói" cùng chính quyền địa phương kịp thời xử lý dứt điểm, không để phát sinh điểm nóng về KN, TC, như tình trạng ô nhiễm môi trường ở Cty Mía đường Sơn La; Cơ sở Chế biến cà phê Thuận Châu, Sơn La...

Ông Phạm Phú Duẩn, Chánh Thanh tra tỉnh Điện Biên nhận xét: Đối với cán bộ, công chức ngành Thanh tra tỉnh Điện Biên, tờ Báo Thanh tra là người bạn thân thiết, gần gũi, chân thành. Bởi lẽ, cầm tờ báo trên tay, ta sẽ tìm được, học được nhiều điều bổ ích phục vụ cho công tác chuyên môn. Đơn cử, những bài viết về giải quyết tranh chấp đất đai; kinh nghiệm giải quyết đơn thư KN, TC; kinh nghiệm tiếp công dân... Báo đã nói lên được những cái mà các đơn vị thanh tra làm được, những khó khăn, vất vả của cán bộ thanh tra tỉnh miền núi như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu... Cầm tờ báo, thấy đơn vị mình, đồng nghiệp mình "lên báo", vui lắm.

Với tấm lòng chân thành của mình, ông Phạm Phú Duẩn chia sẻ, mong Báo Thanh tra có nhiều bài phản ánh về hoạt động của các đơn vị thanh tra các tỉnh vùng Tây Bắc, có nhiều gương người tốt, việc tốt trong ngành Thanh tra, để tờ báo không chỉ là người bạn mà còn là cẩm nang tài liệu để anh em học tập, rèn mình.

Đức Long