Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng...

35 tác phẩm xuất sắc nhất đã được Hội đồng chung khảo xét chọn kỹ lưỡng để xếp hạng A, B, C và khuyến khích. Trong đó, có 4 tác phẩm đoạt giải A, 9 tác phẩm đoạt giải B, 10 tác phẩm đoạt giải C và 12 tác phẩm đoạt giải khuyến khích. Loạt bài của Báo Thanh tra đã vinh dự giành giải B.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, 2 năm 1 lần. Giải do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức.

Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ hai tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí; biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt và phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.

Các tác phẩm tham gia giải thể hiện được những nội dung: Phát hiện đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí; Phản ánh vai trò giám sát của MTTQ, nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt); biểu dương cổ vũ những cách làm hay, kinh nghiệm tốt điển hình tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.

Qua một thời gian phát động, Ban Tổ chức Giải đã nhận được trên 1.000 tác phẩm, bao gồm các thể loại: Báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh của hơn 100 cơ quan báo chí trong cả nước gửi về tham dự; trong đó số lượng bài của báo in là 417 bài, báo điện tử là 450 tác phẩm, truyền hình có 84 tác phẩm, phát thanh có 48 tác phẩm... Số lượng tác phẩm gửi về tham dự Giải tăng gấp nhiều lần so với ở Giải lần thứ nhất.

Các tác phẩm tham gia dự Giải báo chí lần này tương đối sát với chủ đề và tiêu chí của thể lệ, tập trung nhiều nhất là phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3 đến 5 kỳ tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Các tác phẩm được lựa chọn vào chấm chung khảo có chất lượng khá tốt, nội dung đề tài đa dạng, bám sát tiêu chí của thể lệ Giải đề ra.

Năm nay, Chi hội Nhà báo Báo Thanh tra có loạt bài dự thi và vinh dự giành giải B Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” với loạt bài về hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bài 1: Chú trọng phát hiện lỗ hổng về cơ chế chính sách mới nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng; Bài 2: Phòng, chống tham nhũng nên là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp; Bài 3: Kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng; Bài 4: Xử lý tài sản không kê khai hoặc tài sản tăng thêm không được giải trình hợp lý; Bài 5: Sửa đổi một số quy định về phòng ngừa tham nhũng nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi UNCAC.

Ban Biên tập Báo Thanh tra chụp ảnh lưu niệm với nhóm tác giả Báo Thanh tra đạt giải B - Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ảnh: PV

Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2005 đã 2 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và 2012. Qua hơn 12 năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chú trọng, thực hiện đồng bộ và từng bước phát huy hiệu quả, nhất là biện pháp công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công...

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân. 

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo được chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng thì phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được xác định là biện pháp chính, cơ bản, lâu dài. Việc nội luật hóa và thực thi các quy định về phòng ngừa tham nhũng phù hợp với điều kiện và thực tiễn pháp lý của Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm khẩn trương xây dựng được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Và Thanh tra Chính phủ là cơ quan được giao xây dựng dự án Luật sửa đổi.

Báo Thanh tra, cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra nhiều năm qua đã đồng hành với hoạt động này. Hàng trăm bài viết phản ánh phát hiện đấu tranh, lên án những hành vi tham nhũng, lãng phí; phản ánh vai trò giám sát của MTTQ, nhân dân và báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; gương người tốt, việc tốt trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đặc biệt là những bài viết về công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí… được đăng trên Báo Thanh tra. Giải B Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần này là phần thưởng xứng đáng mà Ban tổ chức dành cho nhóm tác giả của Báo Thanh tra để khích lệ hoạt động tuyên truyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như nâng cao tính chiến đấu, đạo đức nghề nghiệp của từng nhà báo.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài - Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải, qua thành công của Giải lần thứ nhất, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời khuyến khích người dân và các cơ quan báo chí phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Giải cũng góp phần khuyến khích vai trò của báo chí, đồng thời ghi nhận, động viên, khen thưởng những nhà báo, cơ quan báo chí có các tác phẩm báo chí chất lượng tốt trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao tính cách mạng, tính chiến đấu và đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Giải còn biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phương Hiếu