Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, góp phần bảo tồn di sản văn hoá của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích vẫn để xảy ra tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; hiện tương tự ý tu bổ, tôn tạo di tíchh tu bổ, tôn tạo di tích không đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt thiếu công khai, minh bạch trong việc tổ chức thi công tu bổ di tích, gây mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện; tự ý tiếp nhận tài liệu, hiện vật không phù hợp vào di tích... còn xảy ra tại một số địa phương.

Trong khi đó, một số địa phương công tác hướng dẫn, nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chưa được quan tâm, kết quả còn hạn chế, dẫn đến nhiều vi phạm trong lĩnh vực này.

Trước tình hình trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

Các địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình tín ngưỡng tôn giáo có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, các địa phương tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, đồng thời có trách nhiệm xử lý nghiêm minh các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích…

Đặc biệt, các đại phương chủ động kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm trong tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích.

UBND các huyện, thành phố rà soát, xem xét thành lập mới đối với các di tích chưa có Ban Quản lý di tích; củng cố, kiện toàn các Ban Quản lý di tích đã có, nâng cao vai trò, trách nhiệm và phát huy hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý di tích từ huyện đến cơ sở.

Chính quyền cấp xã và Ban Quản lý di tích cơ sở phải có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc hướng dẫn, tổ chức quản lý, chống xâm hại di tích theo quy định của pháp luật; tăng cường bảo vệ di tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi di tích, không để xảy ra tình trạng tự ý đưa tài liệu, hiện vật vào di tích; mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích; phòng chống cháy nổ, các hoạt động xâm hại khác làm ảnh hưởng đến di tích.

Ngoài ra, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu chủ động kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào kỷ cương nền nếp.

Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã có trong danh mục kiểm kê di tích nhưng chưa được Nhà nước xếp hạng cần có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích theo quy định…

Hoàng Long