Nằm cách trung tâm huyện Tây Giang chếch về phía Tây gần 40km, thuộc địa phận 2 xã Tr’hy và Axan có một khu rừng rậm toàn gỗ pơmu cổ thụẩn chứa nhiều điều kỳ bí, thi vị. Đây là khu rừng hiếm có trên đại ngàn Tây Trường Sơn và cái tên “Vương quốc pơmu” cũng được người dân sở tại lan truyền từ xưa đến nay.

Theo số liệu điều tra khảo sát của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Sông Bung (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam), quần thể pơmu phân bố trên diện tích 240ha, gồm các khoảnh 4,5,6 thuộc tiểu khu 94; khoảnh 7 tiểu khu 97 và khoảnh 5 thuộc tiểu khu 101. Tổng số cây pơmu đo đếm được là 1.366 cây, trong đó số cây có đường kính đo ở vị trí 1,3 m  từ 10cm trở lên là 1.243 cây, số cây có đường kính dưới 10cm (cây tái sinh) là 123 cây. Cây lớn nhất có chu vi 7,52m.

Cây pơmu to nhất có đường kính hơn 7m. Ảnh: Ngọc Phó

Quần thể cây pơmu được chính quyền và nhân dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt và gần như còn nguyên vẹn. Nhằm bảo tồn tốt hơn nữa, chính quyền huyện đã có hồ sơ đề nghị Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận quần thể cây gỗ quý Pơmu “độc nhất vô nhị” ở Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Kết quả, bước đầu có 725 cây pơmu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Cây pơmu với đặc điểm chống được mối mọt, đường vân gỗ đẹp, có mùi thơm… Do nằm sâu trong rừng lại được người dân bảo vệ nghiêm ngặt bằng ý thức tự giác nên thời gian qua rừng gỗ quý pơmu ở đây tồn tại gần như nguyên vẹn. Chính quyền và người dân luôn nêu cao quyết tâm bảo vệ,gìn giữ rừng, thực hiện tốt khẩu hiệu: “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”. Giữ tốt rừng là góp phần xây đắp cuộc sống thiết thực cho hôm nay và muôn đời sau. 

Nhiều cây pơmu cao to được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Ngọc Phó

Nhờ vậy, rừng cây pơmu còn lại là niềm tự hào và trách nhiệm của người dân Tây Giang tiếp tục bảo vệ, gìn giữ để góp phần cho lá phổi xanh của nhân loại, mời gọi bạn bè gần xa đến chiêm ngưỡng và góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển tạo cho rừng Tây Giang xanh mãi với thời gian.

Vì Tây Giang vẫn là huyện nghèo nhất, nhì của tỉnh, với bao khó khăn, tụt hậu. Từ cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Cơtu đã thúc giục phải bứt phá đi lên, chọn bước đi riêng cho mình một cách nhanh và bền vững, nhằm khai thác tối đa ưu thế tiềm năng sẵn có của địa phương; nhưng phải đảm bảo vững chắc về môi trường. Rừng nguyên sinh của huyện còn trên 60% diện tích tự nhiên với rất nhiều cây đặc hữu như: Lim, pơmu, sến, chò, dổi… mọc trên đỉnh núi cao hơn 2.000m so mực nước biển. Ngoài ra, do khí hậu quanh năm mát mẻ, mưa nhiều, động thực vật đa dạng, phong phú; nhất nguồn dược liệu quý hiếm vẫn còn có ở núi rừng Tây Giang hùng vỹ này.

Chính quyền và nhân dân Tây Giang vinh dự đón Bằng công nhận 725 cây pơmu là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Ngọc Phó

Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện cho biết, Tây Giang định hình và luôn đề cao ý thức bảo vệ và chăm sóc toàn rừng cây pơmu một cách toàn diện và trường tồn, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng, kết hợp với nét văn hóa đặc trưng, đậm đà bản sắc của đồng bào Cơtu; để từ đây đến giữa năm 2017, huyện sẽ phát động Năm Du lịch Tây Giang với chủ đề “Tiếng gọi đại ngàn lần thứ nhất”.

Đó là khát khao cháy bỏng, là quyết tâm sắt đá, là cam kết có trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Giang với cả tỉnh và cả nước; với muôn đời con cháu mai sau.

                                                                                                         Ngọc Phó