Phát biểu tại buổi ra mắt sách của nhà báo Phạm Quốc Toàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ: Đề tài nhà báo và người làm báo gần như là thế mạnh vốn có của Phạm Quốc Toàn mấy chục năm nay. Bằng sự trải nghiệm, va đập của cuộc sống, Phạm Quốc Toàn có cái nhìn như một khá đa dạng, nhuần nhuyễn cả về lý luận và thực tiễn về nghề báo - một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Từ cuộc đời thật của nhà báo Phan Hoàng, nhân vật chính trong tiểu thuyết là câu chuyện dài về một con người mà số phận mà cuộc đời gắn liền với số phận của đất nước và dân tộc; với sự hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Được sống và làm việc với nguyên mẫu, Phạm Quốc Toàn đã sử dụng tối đa thế mạnh, sở trường báo chí và cảm xúc văn chương của ông để khắc họa nhân vật Phan Hoàng vừa thực vừa hư; vừa có cái chung lại vừa có nét riêng độc đáo.

Tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” gồm 9 chương sách, chương nào cũng đầy ắp chi tiết, chất liệu - chuyện đời, chuyện nghề. 

Nhân vật trung tâm là nhà báo lão thành Phan Hoàng, người có 90 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, ra đi từ bến sông Nhùng, làm nên một Phan Hoàng ký giả và văn chương. Từ Phan Hoàng, người đọc cảm nhận bao sự kiện, bao con người trùng trùng, lớp lớp trong đội ngũ hùng hậu báo chí và văn chương - góp phần làm nên một thời đại, lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thông qua nhân vật Phan Hoàng trong tiểu thuyết, nhà báo Phạm Quốc Toàn còn đưa ra thông điệp mang tính thời sự nóng hổi, những quan niệm về nghề báo, nghề văn; từ báo in đến báo nói, báo mạng; từ đạo đức nghề nghiệp đến những hình ảnh sinh động về nghề báo - một nghề đang được coi là thời thượng đối với không ít người, thu hút nhiều đối tượng xã hội. 

Nhà báo Phạm Quốc Toàn chia sẻ: "Nhà báo lấy cái tâm, sự nhân văn, trách nhiệm đối với xã hội để viết, và hoàn thành tác phẩm". Cũng qua nhân vật Phan Hoàng, nhà báo Phạm Quốc Toàn gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai một thông điệp, rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm; nhưng dường như đó là điều kiện tiên quyết đối với nghề báo.

Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng, “Từ bến sông Nhùng” lôi cuốn người đọc bởi viết về người thực, việc thực bằng cảm xúc mãnh liệt; có yêu thương, kính trọng hết mình, có bức bối, giận hờn nung nấu từ con tim, từ gan ruột dồn nén thành cái hay, cái dở làm nên tính cách riêng có của từng nhân vật. Quá trình trưởng thành và phát triển của nhân vật chính được tác giả viết dưới dạng tự sự, trần thuật, hoặc qua nhân vật phụ thuật lại. Theo đó, nhờ sức khái quát tài tình của tác giả đã tạo nên một xã hội thông tin, một đời sống báo chí sống động, cởi mở với những vấn đề nảy sinh từ nghề nghiệp nghiệt ngã, từ những quy định đạo đức nghiêm cẩn.

Tại buổi ra mắt, nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự: “Từ bến sông Nhùng thuộc loại tiểu thuyết “sự kiện”, tiểu thuyết “lịch sử” - không thể thoát ra ngoài dòng chảy thời cuộc đương đại”. Tôi mượn lời của nhân vật chính trong tác phẩm - nhà báo Phan Hoàng, để gửi một thông điệp với những người làm báo: “Không nên cầu toàn và cũng không thể cầu toàn! "Từ bến sông Nhùng" cũng là sự tri ân của tôi với những nhà báo đã nhiều hy sinh, đóng góp thầm lặng trong dòng chảy của dân tộc. Từ bên sông Nhùng là tâm sự từ đáy lòng của tôi trước đời sống báo chí, trước đời sống xã hội. Tôi tự nhủ nhà báo lấy cái tâm, sự nhân văn, trách nhiệm đối với xã hội để viết, và hoàn thành tác phẩm”. 

Thái Hải