Trong giáo lý của đạo Phật ngàn xưa vẫn dạy: Giới hương, Định hương và Tuệ hương là ba thứ cao quý mà tăng ni phật tử thành kính dâng lên Đức Phật và chư vị Bồ tát. Người đi lễ cần Giới hương, tức gìn giữ thanh tịnh trong tâm thức từ suy nghĩ đến lời nói, hành động ở những nơi tôn nghiêm đúng đắn. Như vậy, khi mỗi người chúng ta đến những nơi tôn kính thì vấn đề vật chất không được xem là thước đo cho lòng thành kính. Mà sự thành kính thể hiện chính ở cái tâm của người đi lễ, ẩn trong những suy nghĩ, lời nói, hành động. Hay nói một cách khác là Tâm xuất Phật biết, chứ không phải thể hiện qua mâm cao cỗ đầy, cung tiến bạc trăm bạc triệu.

Công đức “giọt dầu” tức thể hiện sức lao động, sự chắt chiu công sức của phật tử. Người đi lễ, thành tâm dâng lên công đức đối với các bậc tôn kính Đức Phật, các vị thánh, anh hùng dân tộc ở các đền, chùa. Việc một số người đi lễ chùa thường đặt tiền lẻ, thậm chí tiền lẻ cũ rách, bẩn không thanh tịnh trên tay Phật, ban thờ, đặt bất cứ chỗ nào có bát hương, tượng phật, lên các mâm lễ, thậm chí dưới gốc cây, thả xuống giếng... Tình trạng lộn xộn như vậy bởi nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc đặt tiền “giọt dầu”, cũng như cứ quan niệm lầm tưởng rằng như thế mới là thành tâm.

Cũng có lẽ từ quan niệm, hiểu biết chưa đúng về việc dâng lễ ở chùa, nên nhiều người đến chùa đã dâng lên những đồng tiền đó như sự “mặc cả” để mong cầu được đáp ứng trở lại, thậm chí cả những điều mong muốn không chính đáng. Và cũng chính từ những hiểu biết chưa đúng, người ta cho rằng không thể đặt một chỗ mà phải đặt tất cả, nên chia nhỏ ra rải khắp các ban cho đồng đều mong cầu ban ơn, thay vì chỉ cần đặt tại một nơi, ghi phiếu công đức hoặc cho vào hòm công đức.

… người đi lễ hãy phát tâm công đức “giọt dầu” tại những điểm đón tiếp của đền chùa. Ảnh: Internet

Nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ quan điểm: “Bản thân người công đức cũng mắc thói quen hay sự vô thức tập thể khi nghĩ cứ cung tiến “giọt dầu” mọi thứ vào đình, đền, chùa là sẽ chứng tỏ với mọi người về một sự đóng góp nào đó chăng? Hoặc là hữu thức và họ muốn chứng tỏ mình nhiều tiền. "Chúng ta không phủ nhận sự thành tâm của mỗi người có lòng công đức đến các nơi thờ tự. Nhưng nếu không có tri thức về chính việc mình làm thì mọi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu đều sẽ trở thành vô nghĩa. Còn nếu họ có ý thức khoe mẽ sự giàu có, nhiều tiền, thậm chí có những đồ công đức lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng mà tôi từng biết thì dù thần linh có thực cũng không thấy hài lòng" - PGS Lê Quý Đức chia sẻ.

Nhìn nhận về nét đẹp phát tâm công đức “giọt dầu” trong hành lễ nơi cửa đình cửa chùa, Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng công đức phải lấy Trí, Tâm, Đức làm bệ đỡ. Trí và Tâm là cơ sở đi đến nhân Đức. Lấy nhân Đức mà làm công đức mới phải đạo. Nhiều người rất sai lầm khi công đức mà không nghĩ đến ba nền tảng cơ bản nói trên.

Việc đi lễ chùa cầu cho Quốc thái dân an, cầu phúc cho gia đình, mọi sự hanh thông trong một năm mới, cũng như việc phát tâm công đức “giọt dầu” nơi chốn thiêng là nghĩa cử cao đẹp của mỗi người đi lễ. Những nghĩa cử đó cần phải được hiểu sao cho đúng, tránh sai lệch làm mất đi nét đẹp vốn có của việc phát tâm công đức. Và mỗi người đi lễ khi thắp một nén hương thơm hãy lễ bằng đúng cái Tâm của chính mình.

Đức Tôn