Đam mê nghề từ nhỏ

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 10km về phía Tây là vùng đất cổ Đông Sơn, ở đó có dãy núi An Hoạch với hòn vọng phu từ bao đời uốn mình quanh dòng kênh nhà Lê. Vùng đất cổ linh thiêng ấy, hiện hữu những nghệ nhân tài hoa xứ Thanh, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, ngày ngày miệt mài luyện đồng đúc trống, khát khao giữ hồn văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng (51 tuổi) ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn cho biết: Năm tôi khoảng 10 tuổi, các nhà khảo cổ về nghiên cứu 2 di chỉ Đồng Ngầm, Đồng Vứng trọ tại nhà tôi. Ban ngày tôi đi chăn trâu theo chân các nhà khảo cổ khai quật, tìm kiếm các di chỉ, đêm đêm nghe các bác ấy nói về những giá trị văn hóa, lịch sử. Lúc đó nghe tuy không hiểu nhiều nhưng tôi rất thích. Từ đó đi đâu thấy đồ cổ, tôi lân la lại xem. Ngay từ ngày đó, đồ cổ có một sức hút mãnh liệt với tôi, tôi có thể ngồi cả ngày nghe các bậc cao niên trong làng nói về lịch sử, về những cổ vật mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Đại Việt.

Cũng theo ông Tùng, “trong quá trình mưu sinh, tôi sang làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa để học nghề. Cái duyên đến với nghề đúc trống đồng của tôi đã đến vào một buổi chiều khi tôi gom đồng vụn để cho vào nồi nung chảy. Cầm miếng đồng vụn hoen gỉ trên tay, tôi phát hiện ra đó là mảnh vỡ của một chiếc trống đồng với những hoa văn hình chim hạc, hình trai gái đầu đội lông vũ đang đánh trống được khắc họa tinh xảo. Giữ lại miếng đồng vụn, thi thoảng lại lôi ra ngắm nghía, và ý nghĩ quyết phục dựng lại nghề đúc trống đồng chợt lóe lên trong đầu”.

Để biến ý tưởng của mình thành hiện thực, ông từng bán nhà cửa và bỏ ra quãng thời gian hơn 8 năm ròng để đeo đuổi học nghề đúc đồng. Với ông, để có được những chiếc trống tinh xảo như ngày hôm nay là cả một quá trình trăn trở, vật lộn đằng đẳng.

Ông Thiều Quang Tùng bên những sản phẩm của mình. Ảnh: Văn Thanh

“Năm 1998, tôi bắt đầu nghiên cứu về trống đồng, đi khắp các làng nghề để học cách đúc đồng. Từ sự đam mê cổ vật, tôi muốn làm ra chiếc trống đồng như ông cha mình đã làm để giới thiệu đến mọi người về đỉnh cao của văn hoá Đông Sơn là nghệ thuật đúc đồng. Ở đó người Việt đã hoàn toàn làm chủ nguyên liệu và công nghệ chế tạo đồng thau. Đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất cứ nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới, trong đó trống đồng là loại di vật điển hình nhất. Do nghề đúc trống đã thất truyền, nên tôi phải tự mày mò, tham khảo sách vở, dựa vào nghiên cứu của các nhà khoa học…”.

Hơn 8 năm trời đằng đẵng, hết thất bại này đến thất bại khác, tài sản có được trong suốt thời gian đi làm nghề mộc, thợ xây, thầu xây dựng đều cháy theo ánh lửa đồng đỏ rực. “Khi chuẩn bị bắt được hồn vía của cái trống cũng là lúc trong tay không còn đồng nào. Được sự nhất trí, động viên của vợ, tôi quyết định bán nhà về nhà bố mẹ đẻ ở nhờ, toàn bộ số tiền trên đầu tư hết vào cái nghiệp còn dang dở”.

Phục dựng “quốc hồn dân tộc”

Đối với nghề đúc trống cần đến độ chính xác, do đó người thợ phải làm việc rất nghiêm túc mới được đảm đương phần việc của mình. Để được tin tưởng và giao 1 trong 15 công đoạn đúc trống, người thợ cần học nghề chăm chỉ suốt thời gian kéo dài từ 3 - 4 năm. Khi bắt tay vào hành nghề, ngay từ khâu đơn giản nhất là đập đất cũng phải tôn trọng công thức và công đoạn.

Do tập hợp nhiều yếu tố để  tạo thành hoa văn, âm thanh và kỹ thuật, đòi hỏi người thợ phải có năng khiếu về âm nhạc cũng như hội họa. Từ đó mới hình thành nên dây chuyền cơ bản tạo ra phom dáng đúng theo dáng trống cổ. Khắt khe hơn là khuôn đúc trống cần nung chín kỹ, không còn hơi nước tích đọng, nếu nung khuôn không đạt yêu cầu, trống sẽ hỏng. Khâu pha nguyên liệu làm sao cho đảm bảo đủ độ dẻo, không quá nhiều chì; nấu đồng đạt đến độ trong cần thiết ở mức nhiệt độ dưới 2.000 độ C.

Ông Thiều Quang Tùng người mặc áo đỏ trong dịp đúc trống và kiếm lệnh dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Văn Thanh

Giờ đây, tiếng tăm của “Tùng trống” (từ thân mật bạn bè hay gọi) được các nhà sưu tầm cổ vật, những người yêu thích cổ vật tìm đến. Suốt hơn 10 năm qua, cơ sở của ông không bao giờ hết việc, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. 10 lao động lành nghề ông dày công chỉ dạy ngày ngày cùng ông tạo ra những sản phẩm tuyệt mỹ cả về chất và lượng. Do không có công thức nhất định nên sản phẩm làm ra đều do kinh nghiệm. Thứ “bí kíp” làm nên tên tuổi của “Tùng trống”, giờ đang được ông truyền dạy lại cho cậu con trai đầu.

Tại Festival Huế 2007, trống đồng của ông được chọn là 1 trong 7 sản phẩm tiêu biểu. Ông cũng vinh dự được đúc biểu tượng dâng kỷ niệm 580 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang Hoàng đế; đúc trống đồng dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, đúc trống tặng quê Bác đúng dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như đúc trống tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Văn Thanh